Trang

Thứ Sáu, 20 tháng 4, 2012

Có nên dừng học để làm kinh doanh

Chỉ còn vài tháng nữa tôi sẽ ra trường và trở thành kỹ sư. Tuy nhiên tôi lại không có chút hứng thú nào với nghề này. Ước mơ của tôi là trở thành doanh nhân. Đây vừa là đam mê và cũng là mục tiêu phấn đấu cả đời tôi. (Bùi Mạnh Cường)


Tuy không nhiều nhưng tôi cũng tích lũy được cho mình chút kiến thức và kinh nghiệm về đầu tư quản lý. Tôi tham gia thị trường chứng khoán từ năm thứ nhất và hiện tại cũng đang đi làm thêm cho một công ty cung cấp cửa nhôm, cửa kính. Tôi đang có kế hoạch mở công ty cho riêng mình nhưng nếu mở ra thì tôi cũng không còn đủ thời gian dành cho việc học nữa.


Tôi phân vân không biết có nên tiếp tục việc học đợi sau khi tốt nghiệp mới mở công ty hay dừng việc học lại và làm những điều mình thích. Mong các bác, các anh chị, những người đi trước cho tôi lời khuyên để tôi có sự lựa chọn đúng cho mình và các bạn cùng lứa.


Ông Lưu Văn Quảng, Chủ tịch HĐQT, Tổng công ty Cổ phần Veesano: Theo tôi, bạn không nhất thiết phải dừng lại việc học để có thể kinh doanh. Nếu bạn quyết tâm muốn làm kinh doanh, bạn có thể bắt tay ngay vào việc chuẩn bị lập kế hoạch kinh doanh, các phương án kêu gọi đầu tư để có thể thành lập công ty khi đã hoàn thành xong việc học. Bạn nên chọn lĩnh vực mình thấy yêu thích và có khả năng nhất. Một số câu hỏi quan trọng bạn cần trả lời nếu muốn lập công ty.


1. Địa điểm đặt doanh nghiệp ở đâu?


Quan tâm tới vị trí địa lý cũng như các thông tin nhân khẩu học rất quan trọng với thành công của bất kỳ doanh nghiệp nào. Khách hàng của bạn phải dễ dàng và thuận tiện trên đường tiếp cận với sản phẩm hay dịch vụ bạn cung cấp. Đánh giá xem liệu điều kiện thị trường địa phương hiện có sẽ trang bị và thúc đẩy sự tăng trưởng kinh doanh của bạn hay không.

2. Chọn tên nào cho doanh nghiệp?



Chọn một cái tên đúng cho doanh nghiệp của bạn là điều hết sức cần thiết bởi nó thể hiện và miêu tả bản chất ngành kinh doanh bạn sẽ tiến hành. Do đó, hãy chọn một cái tên sao cho liên quan tới lĩnh vực bạn kinh doanh và định dạng được sản phẩm cũng như dịch vụ bạn cung cấp. Cố gắng tìm kiếm những cái tên mới mẻ nhưng ổn định và không quên hỏi ý kiến, nhận xét của bạn bè hay các doanh nhân khác.


3. Cần đầu tư bao nhiêu?


Mặc dù bạn không thể xác định một cách chính xác lượng tiền bạn cần khi khởi nghiệp nhưng với sự trợ giúp của một chuyên gia tài chính, bạn có thể đưa ra mức tương đối phù hợp. Khi đánh giá và ước đoán, đừng quên các chi phí "ẩn". Bạn nên tham khảo ý kiến chuyên gia trong lĩnh vực này.


4. Đáp ứng những yêu cầu tài chính của công việc kinh doanh như thế nào?


Đây là một nhân tố quan trọng cần được tính đến khi bạn khởi nghiệp. Bạn cần quan tâm tới rất nhiều lựa chọn tài chính sẵn có cho bạn. Cố gắng tiếp cận nhiều nguồn tài chính khác nhau như công ty tài chính, ngân hàng... Bên cạnh đó, bạn hoàn toàn có thể sử dụng quỹ tiết kiệm cá nhân hay vay mượn bạn bè, người thân. Khởi nghiệp là một công việc thực sự đầy thử thách nhưng rất thú vị. Hãy đặt niềm đam mê kinh doanh của bạn bên cạnh kiến thức và những bước đi chắc chắn, bạn sẽ thành công.
Theo VNE

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét