Trang

Thứ Năm, 19 tháng 4, 2012

Biến vỏ chuối thành dược liệu

Một nhóm sinh viên Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng đã tìm thấy những hợp chất sinh học hữu ích trong vỏ chuối. Đây là tiền đề quan trọng để chiết tách, cô lập những hợp chất thiên nhiên quan trọng phục vụ việc nghiên cứu các hoạt tính sinh học có khả năng chữa bệnh có trong vỏ chuối cau.

Nhóm tác giả đề tài gồm các bạn: Hoàng Thị Minh Hằng, Lương Thị Thu Hằng, Lê Duy Hoàng Mai và Lê Phương Dung đều là sinh viên năm 4, khoa Công nghệ Sinh học và Môi trường, Trường Đại học Hồng Bàng.Phương Dung cho biết: “Với mong muốn tìm hiểu xem phần trong của vỏ chuối chứa những hợp chất thiên nhiên nào và cũng nhằm mục đích tận dụng phần bỏ đi của quả chuối để nghiên cứu tìm ra những loại thuốc trị bệnh mới cho y học, nhóm chúng mình quyết tâm bắt tay vào thực hiện đề tài này”.

Các loại trái cây được sử dụng chủ yếu để đáp ứng nhu cầu ăn uống hằng ngày. Thực tế cho thấy, người ta còn trị bệnh bằng các món ăn, thức uống được chế biến từ trái cây.
Tuy nhiên, công dụng của trái cây trong việc chữa bệnh vẫn chưa được tìm hiểu và nghiên cứu sâu nên việc dùng chúng trong lĩnh vực y khoa còn nhiều hạn chế.
Ở nhiều địa phương, người dân cũng biết sử dụng phần “cơm” mỏng trong vỏ chuối để chữa trị một số bệnh ngoài da như: nứt da, ghẻ lở, mụn cóc, nấm ngoài da...

Công việc đầu tiên của nhóm là tiến hành thu thập các mẫu vỏ chuối chín. Loại chuối được nhóm sinh viên này chọn làm mẫu là chuối cau. Đây là giống chuối thuộc chi musa, họ musaceae, bộ zingiberals.
Dùng 1,5kg vỏ chuối chín, cạo lấy phần thịt bên trong đem cân được 1,68g, sau đó đem phơi khô rồi nghiền nát thành bột. Kế đến ngâm bột trong dung dịch Metanol 90 độ trong vòng 24 giờ.
Chiết nhiều lần, mỗi lần một ít Metanol rồi lọc lấy dịch chiết bằng giấy lọc, sau đó cô quay ở 40oC. Cao chiết thu được cho vào hũ thủy tinh, đặt lên bếp đun cách thủy đến khi cô đặc. Công việc then chốt của nhóm lúc này là tiến hành định tính thành phần hóa học của cao vỏ chuối.

Trưởng nhóm Minh Hằng cho biết kết quả: “Qua nghiên cứu và khảo sát, nhóm rút ra kết luận, trong vỏ chuối cau có chứa các hợp chất sinh học như: tanin, saponin, acid uronic, acid hữu cơ, tinh dầu, phytosteron..., không chứa các acid béo, antraglococid, carotenoid..., trong đó tanin là hợp chất hiện diện nhiều nhất. Xác định thành phần tanin có trong vỏ chuối cau sẽ là bước đầu cho sự hiện diện của tanin anbuminat và tanin cazeinat là những dạng hợp chất dùng để chữa tiêu chảy ở trẻ em và gia súc non rất tốt.
Dựa trên tính chất tanin làm kết tủa protein, vỏ chuối có thể được tận dụng như một dạng trà hoặc thuốc bột giúp kháng viêm, tiêu độc..., chứ không còn là phế phẩm thông thường nữa”.

Bằng phát hiện này, cả nhóm bốn sinh viên lên kế hoạch tiếp tục nghiên cứu sâu để hoàn thiện đề tài theo hướng tận dụng các loại rác thải từ trái cây Việt Nam để ứng dụng chữa bệnh trong y học và dự án sản xuất và tinh chế nguyên liệu phục vụ ngành dược.

Nguồn doanhnhansaigon.vn
LẠC LÂM

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét