Thứ Hai, 14 tháng 1, 2013

Tìm hiểu về đầu tư mạo hiểm ở Việt Nam


         Ngày càng nhiều doanh nghiệp được thành lập với những kế hoạch kinh doanh tốt, hứa hẹn mức độ thành công và thu được lợi nhuận cao. Tuy nhiên, họ gặp nhiều khó khăn khi thực hiện bởi thiếu kinh nghiệm quản lý, kinh doanh...đặc biệt là thiếu vốn. Trong bối cảnh kinh tế lạm phát, việc vay vốn ngân hàng là điều rất khó khăn, nhất là với các doanh nghiệp không có nhiều tài sản thế chấp.

         Sự xuất hiện các quỹ đầu tư mạo hiểm ở Việt Nam trong những năm đây, như một nguồn nước mới xoa dịu "cơn khát" vốn này của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp trẻ.
Bạn biết gì về đầu tư mạo hiểm? Hãy cùng tìm hiểu một vài thông tin về loại hình đầu tư này vì có thể nó sẽ là lời giải cho bài toán tài chính trong giai đoạn khởi nghiệp cho doanh nghiệp của bạn.

      Đầu tư mạo hiểm là gì?

     Đầu tư mạo hiểm (Venture capital) là phương thức mà theo đó, nhà đầu tư hay những tổ chức chuyên môn hóa rót vốn vào những doanh nghiệp mới thành lập, chưa niêm yết trên thị trường chứng khoán, có tốc độ tăng trưởng cao và thường sử dụng các công nghệ mới, hiện đại... đang cần tài trợ để phát triển sản phẩm hoặc quá trình tăng trưởng.

      Sở dĩ gọi là "nguồn vốn mạo hiểm" bởi:

      - Các công ty được đầu tư không cần một khoản đặt cọc hay kí quỹ nào. Việc rót vốn của các quỹ đầu tư mạo hiểm dựa vào sự tin tưởng vào việc tạo dựng thành công doanh nghiệp của người sáng lập và đội ngũ giám đốc công ty.

     - Các quỹ đầu tư tham gia vào việc kiểm soát và điều hành công ty. Họ tư vấn ở cấp chiến lược, hướng dẫn, hỗ trợ các công ty trong quản lý, xây dựng thương hiệu, phát triển thị trường...Vì vậy họ có thể gặp rủi ro, bị mất khoản đầu tư nếu công ty bị phá sản. Tuy nhiên, điều này ít xảy ra và họ thường đạt tỷ suất lợi nhuận từ 35- 50%.

      Thu hút vốn đầu tư mạo hiểm thành công cho doanh nghiệp

       Hiện nay, có rất nhiều doanh nghiệp đang cần vốn từ các quỹ đầu tư mạo hiểm, tuy nhiên số lượng các quỹ này lại rất khiêm tốn. Bên cạnh đó, yêu cầu của các nhà đầu tư về dự án kinh doanh khá khắt khe khiến không ít doanh nghiệp gặp thất bại khi mời nguồn vốn đầu tư này. Tìm hiểu về quỹ đầu tư, xây dựng hình ảnh hoàn hảo của doanh nghiệp, quan hệ tốt với các nhà đầu tư...sẽ là những gợi ý giúp bạn thành công.

       - Tìm hiểu về quỹ đầu tư: Doanh nghiệp cần nghiên cứu, chuẩn bị những tư liệu về quỹ đầu tư mà mình quan tâm: các tiêu chí, mục đích của quỹ, những quy định, thủ tục... để có chiến lược hiệu quả thu hút đầu tư thành công. Tìm hiểu thông tin qua báo chí, website của quỹ đầu tư, tiếp cận thực tế từ kinh nghiệm của các doanh nghiệp đã được nhận vốn đầu tư...là những việc bạn cần làm ngay từ lúc này.

      - Xây dựng doanh nghiệp với kế hoạch kinh doanh hoàn hảo: Các doanh nghiệp có thể tham khảo mẫu hướng dẫn lập bản kế hoạch kinh doanh ở một số website của các quỹ đầu tư như IDG venture, Mekong capital... Trong số những yếu tố ảnh hưởng đến hình ảnh doanh nghiệp trong mắt các nhà đầu tư mạo hiểm dưới đây, yếu tố con người giữ vị trí quan trọng số 1.

1 Đội ngũ lãnh đạo

Là những người nắm tỷ lệ sở hữu lớn, có tâm huyết với sự phát triển của công ty. Họ phải là những người có năng lực , kinh nghiệm, được chứng minh thông qua những thành tích trong việc điều hành công việc kinh doanh của công ty.
 
2 Sản phẩm dịch vụ

Độc đáo, mang lại lợi ích cho khách hàng, có sự khác biệt so với sản phẩm cùng loại, có triển vọng phát triển lâu dài trong tương lai... Đặc biệt, sản phẩm dịch vụ phải được công nhận bản quyền, bằng phát minh sáng chế...

3 Mô hình kinh doanh

Mô hình hiệu quả, tính toán rõ ràng được mức lợi nhuận và hoạch định các chiến lược cho dịch vụ, sản phẩm của mình trong các giai đoạn...


4 Thị trường

Có kế hoạch thăm dò thị trường, xác định nhu cầu, mức tiêu thụ, khách hàng tiềm năng và đối thủ cạnh tranh ... Từ đó xác định thị trường mục tiêu, đề ra chiến lược vượt trội đối thủ, có phương hướng mở rộng thị trường trong tương lai.

5 Quản lý tài chính

Báo cáo tài chính minh bạch, các tính toán về lợi nhuận, kế hoạch quản lý, sử dụng nguồn tài chính hiệu quả...

6 Pháp lý

Chuẩn bị chu đáo về các điều khoản đầu tư giữa hai bên, tránh những tranh chấp xảy ra như sự tham gia của chuyên gia quản lý quỹ đầu tư trong hội đồng quản trị, tỷ lệ lợi nhuận...


- Tiếp cận và xây dựng mối quan hệ tốt với các quỹ đầu tư: Doanh nghiệp nên tổ chức các buổi trao đổi cởi mở và chia sẻ thông tin với các quỹ đầu tư mạo hiểm. Tại đây, doanh nghiệp cần trình bày kế hoạch kinh doanh của mình cũng như tham vấn kinh nghiệm từ các chuyên gia để tìm ra cách hoàn thiện tốt hơn những ý tưởng đó.

3 giai đoạn thực hiện đầu tư mạo hiểm

         Một dự án đầu tư mạo hiểm thông thường kéo dài từ 7 đến 10 năm, được thực hiện qua ba bước: bắt đầu từ việc xem xét, thẩm định dự án, tới thực hiên việc đầu tư, rót vốn và kết thúc là việc thu hồi vốn.

Bước 1: Xem xét và thẩm định các dự án đầu tư. Các quỹ đầu tư sẽ tiến hành nhiệm vụ xem xét và thẩm định dự án đầu tư rất kỹ trước khi quyết định đầu tư vào doanh nghiệp. Đó là thẩm định tỉ lệ rủi ro, vốn rút để tái đầu tư, mức độ lợi nhuận... Trên thực tế ở Việt Nam, các quỹ đầu tư mạo hiểm chấp nhận tỉ lệ rủi ro thấp nên thường tìm đến với các doanh nghiệp đã có tên tuổi và uy tín trên thị trường.

Bước 2: Thực hiện đầu tư, rót vốn. Sau khi ký hợp đồng hợp tác, các quỹ đầu tư mạo hiểm tiến hành đầu tư, rót vốn vào doanh nghiệp. Quá trình rót vốn chia làm 5 giai đoạn, 3 giai đoạn đầu có mức độ rủi ro cao hơn 2 giai đoạn sau. Không chỉ rót vốn, quỹ còn hỗ trợ, tư vấn cho doanh nghiệp trong quá trình kinh doanh như xây dựng năng lực, mở thị trường, tạo thương hiệu...

       5 giai đoạn rót vốn:
     Tài trợ vốn mồi/ươm tạo (seed financing): Giúp doanh nghiệp để phát triển ý tưởng sáng tạo.
Tài trợ khởi động (start-up financing): Giúp phát triển sản phẩm và hoạt động tiếp thị khởi đầu.
Tài trợ giai đoạn đầu (first stage financing): Giúp doanh nghiệp sản xuất hàng hoá và tung ra thị trường.
       Tài trợ mở rộng sản xuất (expansion financing): Giúp doanh nghiệp mở rộng sản xuất, thị trường, nâng cấp sản phẩm, xây dựng cơ cấu sở hữu hợp lý...
       Tài trợ tăng tốc: Giúp doanh nghiệp thâm nhập sâu vào thị trường, tăng tốc hoạt động kinh doanh, tạo sản phẩm mới...

       Bước 3: Kết thúc đầu tư, hay thu hồi vốn. Các khoản đầu tư được thu hồi qua 4 kênh chính là: Chứng khoán bán cho công chúng lần đầu, bán cổ phần cho nhà đầu tư khác, bán lại cổ phần cho doanh nghiệp và bán doanh nghiệp cho doanh nghiệp khác.

        Giới thiệu 4 quỹ đầu tư mạo hiểm lớn tại Việt Nam


Sau đây là thông tin về 4 quỹ đầu tư mạo hiểm lớn nhất tại Việt Nam

1. Dragon Capital (1994) Quỹ đầu tư của Anh này là quỹ lớn nhất và nhiều kinh nghiệm nhất tại Việt Nam với tổng tài sản lên tới 1,3 tỷ USD với 7 quỹ thành viên.

Địa chỉ: Phòng 1901-1904, tầng 19, tòa nhà Mê Linh Point, Số 2 Ngô Đức Kế, Q.1, Tp. Hồ Chí Minh (Tel: 84-8-8239355)
http://www.dragoncapital.com/

2. Mekong Capital: Quỹ đầu tư chủ yếu vào các công ty tư nhân và công ty ở giai đoạn đầu quá trình cố phần hóa, trong hoạt động xuất khẩu. Quỹ có 3 quỹ thành viên là: Mekong Enterprise Fund (2001), Mekong Enterprise Fund II - vốn 50 triệu USD (2006) và Azalea Fund (VAF) - vốn 100 triệu USD (2007)

Địa chỉ: Tầng 1, Sài Gòn Tower, số 6 Thái Văn Lung, Q.1, Tp. Hồ Chí Minh (Tel: 84-8-8273161)
http://www.mekongcapital.com/

3. IDG Venture: Tập đoàn IDG Venture - Mỹ, đầu tư vào Việt Nam từ năm 2004. IDG dự tính đầu tư mạo hiểm 80-100 triệu USD vào Việt Nam giai đoạn 2003-2010 trong lĩnh vực xuất bản ấn phẩm chuyên ngành, tổ chức các triển lãm hội nghị trong lĩnh vực công nghệ thông tin (CNTT)

Địa chỉ: P.1108, tầng 11, tòa nhà Sunwah, 115 Nguyễn Huệ, Q.1, Tp. Hồ Chí Minh (Tel: 84-8-8278888)
http://www.idgventures.com/ hoặc http://www.idgvv.com.vn/

4. Vina Capital: Vina Capital hiện có 4 quỹ đầu tư tại Việt Nam: Quỹ đầu tư cơ sở hạ tầng (2007) , Vietnam Opportunity Fund (VOF), VinaLand (2006) và DFJ Vina Capital L.P (2006) - với tổng vốn trên 1 tỷ USD. Vina Capital chủ yếu đầu tư vào các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản, công nghệ thông tin, viễn thông.

Địa chỉ: Tầng 17, Sunway,115 Nguyễn Huệ, Q.1, Tp. Hồ Chí Minh (Tel: 84-8-8219930)
http://vinacapital.marofin.com/contact.html

Thứ Sáu, 4 tháng 1, 2013

9 bí quyết đắc nhân tâm ở công sở

Bạn muốn sống thật hạnh phúc vui vẻ ? Bạn muốn đạt đến đỉnh thành công trong công việc? Bạn muốn có nhiều bạn bè yêu quí và không có thù? Hay giản đơn hơn Bạn muốn luôn nhận được nhiều niềm vui mỗi ngày? Bạn muốn tăng thu nhập từ 8 triệu lên 20 triệu , 30 triệu hay 60 triệu ? Bạn muốn có đồng nghiệp tan

1. Thân thiện
Mỉm cười chào tất cả các đồng nghiệp khi gặp nhau sẽ tạo cho bạn cây cầu thiện cảm đầu tiên. Hình ảnh thân thiện dễ mến của bạn sẽ ghi dấu trong những lần giữ cửa thang máy chờ khi đồng nghiệp đang hối hả chạy đến, nhặt dùm tập tài liệu đánh rơi hay đưa một cái kẹp tóc khi cần...
2. Thật lòng khen ngợi, động viên đúng lúc
Ông bà mình thường nói “lời nói không mất tiền mua” nhưng lời nói có thể “mua” cho bạn sự ủng hộ và sự thăng tiến và hơn cả là những người bạn nơi làm việc. Ai cũng có những năng lực nổi trội ngoài công việc của họ. Nếu bạn biết cô A ca vọng cổ hay và đề nghị cô hát trong Tiệc cuối năm công ty, cô B nấu ăn ngon để nhờ làm bánh kem sinh nhật công ty hay cô C vẽ đẹp để nhờ trang trí Noel văn phòng ...thì bạn đã giúp họ toả sáng. Họ sẽ nhớ mãi điều đó và sẽ tìm dịp để khen ngợi lại bạn.
Công việc không phải lúc nào cũng xuôi chèo mát mái. Nếu một ngày đồng nghiệp bị khiển trách, hãy chia sẻ bằng một cái siết chặt tay hoặc ngồi lắng nghe thật chia sẻ. Bạn đang là người bạn đồng hành đáng yêu nhất trong những giây phút buồn bực nhất của họ đó.
3. Không nề hà việc khó
Một khách hàng xuất hiện đột ngột và sừng sộ tại sảnh chờ công ty nơi bạn làm đòi gặp Sếp? Tất cả nhân viên đều hết sức e ngại nếu công ty bạn không có phòng chăm sóc khách hàng? Hãy dùng kiến thức và kinh nghiệm xử lý than phiền khiếu nại và “xung phong” tiến ra sảnh trước để tỏ rõ thiện chí. Chắc chắn đây là thử thách vô cùng khó khăn nhưng cũng là cơ hội cho bạn rèn luyện kỹ năng giao tiếp. Mọi người sẽ đánh giá cao việc bạn đã đảm nhận những việc khó về mình.
4. Hăng hái giúp đỡ
Ở Công ty Đầu tư Xây dựng B., anh Kiên luôn nhiệt tình giúp mọi người in sao các file bản vẽ đến mức nhiều đối tác còn nghĩ anh là nhân viên IT mà không biết anh là kỹ sư giám sát công trình. Anh đã được đồng nghiệp mến tặng chức danh trợ lý IT và cũng nhanh chóng thăng tiến lên phụ trách một toà tháp trong dự án vì năng lực làm việc nhóm và giành được thiện cảm của các sếp khi cân nhắc vị trí thăng tiến cho các kỹ sư đang ở vị trí ngang bằng. Hãy luôn chìa cánh tay ra khi có thể, bạn sẽ nhận được nhiều cánh tay vào lúc mình cần sự trợ giúp để lên đỉnh thành công.
5. Chào đón đồng nghiệp mới
Ngày đầu tiên đi làm việc ở chỗ mới, ai cũng cần một sự chào đón và sự hướng dẫn tận tình của đồng nghiệp. Cô giáo lớp một in dấu đậm trong tâm trí ta như thế nào thì người bạn đầu tiên ở nơi mới cũng khiến ta ấm áp như thế. Vậy ta cũng hãy luôn là người bạn thân ái đầu tiên của những đồng nghiệp mới. Bạn hãy nói lời chào mừng và nói rằng bạn sẵn lòng hướng dẫn nếu họ có thắc mắc ban đầu. Hãy giúp họ biết chỗ ăn trưa gần nhất, giúp họ nhận biết các đồng nghiệp khác cũng như cách sử dụng các trang thiết bị trong văn phòng, bạn sẽ có chỗ đứng chắc chắn trong lòng họ.
6. Uy tín, lịch thiệp
Nếu bạn mượn đồ dùng của đồng nghiệp như kim bấm, kéo cắt giấy, tài liệu tham khảo...hãy trả đúng hẹn bởi khi họ cần mà không có thì bạn vô tình đã quạt cho than trong lò giận dữ của họ bùng cháy. Bạn hứa giúp họ tìm nơi cung cấp dịch vụ nhưng không làm thì lần sau họ sẽ không dám giao trứng cho ác nữa.
Văn phòng là một xã hội thu nhỏ nên bạn hãy ứng xử chừng mực lịch thiệp như ở nơi công cộng. Những tư thế ngả ngớn, nói chuyện điện thoại ồn ào, hỉ mũi ầm ĩ hay hát to khi nghe Ipod ..sẽ khiến đồng nghiệp khó chịu tránh xa người thiếu tôn trọng không gian chung.
7. Tích cực lắng nghe
Một trong những bí quyết trong nghệ thuật giao tiếp là kỹ năng lắng nghe. Những người bán hàng giỏi nhất là những người biết lắng nghe để hiểu nhu cầu cầu và đáp ứng nhu cầu khách hàng được hiệu quả nhất. Lúc bạn nghe là lúc bạn hiểu được đồng nghiệp được tốt nhất. Nếu gặp rắc rối, bạn hãy nghe từ người đối thoại, nhiều khi chỉ là chuyện hiểu lầm và ta không mất thời gian để giải quyết hay giận dữ cho những chuyện không hề tồn tại.
8. Êm dịu nhưng hiệu quả trong cách góp ý đồng nghiệp
Trong công việc, những chuyện bất đồng ý kiến hay ứng xử là điều luôn tồn tại. Vấn đề là chúng ta ứng xử trên tinh thần tôn trọng lẫn nhau. Hãy dùng chiếc bánh Sandwich trong giao tiếp để phát biểu ý kiến để xây dựng đồng nghiệp nhé. Làm sao để bước ra từ sau cuộc nói chuyện, người đồng nghiệp của chúng ta rút kinh nghiệm từ những sai lầm mà không mất đi thiện cảm dành cho ta.
9. 9999
Vâng, im lặng là vàng đối với những câu chuyện riêng tư mà đồng nghiệp chia sẻ cho ta. Nhiều khi “bản năng bà Tám” thúc đẩy ta mạnh mẽ nói ra nhưng hãy nghĩ đến nguyên tắc số 9 này để giữ lại mối quan hệ bằng vàng của ta với đồng nghiệp.
Công sở cũng có những bí quyết đắc nhân tâm, bạn cứ thử xem.
Phunungaynay.vn
Flag Counter