Chủ Nhật, 16 tháng 12, 2012

Ông chủ đặc sản Đà Nẵng Trần khởi nghiệp từ bán chiếc laptop mới mua

Theo Tuấn, thành công của anh là nhờ biết áp dụng đúng và đủ chiến lược marketing hiện đại.

Đặc sản nổi tiếng của Trần - bánh tráng cuốn thịt heo 2 đầu mỡ và ông chủ 32 tuổi thành công từ đồng vốn 8,5 triệu đồng (ảnh nhỏ) - Ảnh: Bảo Nguyên Đặc sản nổi tiếng của Trần - bánh tráng cuốn thịt heo 2 đầu mỡ và ông chủ 32 tuổi thành công từ đồng vốn 8,5 triệu đồng (ảnh nhỏ) - Ảnh: Bảo Nguyên
Ý tưởng trên bàn ăn
Ít ai biết rằng món đặc sản bánh tráng cuốn thịt heo rất giản dị đã lan rộng ra ngoài phạm vi của quốc gia lại bắt đầu từ việc mẹ Tuấn làm cho gia đình thưởng thức món này, vốn là sở trường của bà. Không có chút vốn liếng, Tuấn quyết định bán chiếc laptop mới mua với giá 8,5 triệu đồng lấy tiền khởi nghiệp.
Sau đó, anh xây dựng nguyên một "dự án" cho quán ăn của mình để thuyết phục những nơi cung cấp bàn ghế, vật dụng bếp, nguyên liệu chế biến món ăn cho... nợ với cam kết sẽ thanh toán đầy đủ trong vòng 1 năm. Dự án của Tuấn đã thuyết phục họ.
Món thịt heo vốn ngon ở nước chấm, đã có tay nghề khéo léo và bí quyết pha nước chấm độc đáo của mẹ. Nhưng để phục vụ số lượng khách lớn và tạo ấn tượng riêng thì chưa đủ. Tuấn bỏ thời gian tìm hiểu cách làm miếng thịt heo luộc khi cắt có được 2 đầu mỡ như đặc trưng của món bánh tráng cuốn thịt heo Đà Nẵng.
Rồi mò mẫm thức dậy từ sáng sớm xuống chợ đầu mối tìm nguồn rau sạch, giá gốc để phục vụ việc kinh doanh của mình. Quan trọng nhất, theo anh, là tìm được nguồn thịt heo sạch, nếu muốn phát triển lâu dài.
Quán bánh tráng cuốn thịt heo thành công ngoài mong đợi. Với cung cách phục vụ chuyên nghiệp, bài bản, mọi thứ đều sạch sẽ, sáng bóng đã kéo khách đến với bánh tráng cuốn thịt heo Trần đông nghịt. Nhanh chóng lấy lại vốn và thanh toán nợ nần, Tuấn thừa thắng xông lên, cho ra đời quán Trần 2, việc kinh doanh phát triển đến không ngờ.
Khách du lịch bắt đầu biết tiếng đến Trần, là tiền đề để cho Tuấn tiếp tục Trần 3. Và giờ, với chuỗi 4 nhà hàng đặc sản Trần tại những địa điểm trung tâm nhất của Đà Nẵng, Trần đã trở thành món đặc sản của nhiều du khách trong và ngoài nước khi đặt chân đến Đà Nẵng.
Ấp ủ đưa "Trần" xuất ngoại
Theo Tuấn, thành công của anh là nhờ biết áp dụng đúng và đủ chiến lược marketing hiện đại. Tất cả ngày lễ, tết Trần đều có những chương trình đặc biệt chăm sóc khách hàng. Đặc biệt, Tuấn đã xây dựng thành công một đội ngũ nhân viên người miền Trung chuyên nghiệp và mềm mỏng để chinh phục những khách hàng khó tính nhất.
Anh bảo, việc nghe đơn giản nhưng rất khó bởi tính cách đặc trưng của người miền Trung vốn "ăn to, nói lớn".
Từ thành công của đặc sản Trần, rất nhiều người làm kinh doanh ở các địa phương lớn như TP.HCM, Hà Nội tìm đến Tuấn và ngỏ ý nhượng quyền thương hiệu với giá trị hấp dẫn, nhưng Tuấn đã từ chối. "Cho dù cam kết nhượng quyền có chi tiết đến đâu, cũng không tránh khỏi việc người chủ khác vì quyền lợi mà kinh doanh không đúng như mục tiêu mình đặt ra. Ở Trần, những thực phẩm qua ngày đều không được sử dụng lại mà phải mang về kho hủy để đảm bảo uy tín. Nhưng khi nhượng quyền họ có đảm bảo điều đó cho mình không? Vì vậy, tôi quyết định không nhượng quyền dù lúc ấy thấy người ta trả nhiều tiền cũng... ham thiệt!", Tuấn quả quyết.
Thay vì nhượng quyền, Tuấn chọn cách Nam tiến để mở rộng quy mô. "Sau miền Nam, tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu dự án của hai đối tác tại Singapore và Mỹ. Họ muốn Trần có mặt tại những nơi đó. Đó là kế hoạch lớn của tôi trong chặng đường chinh phục mới!", ông chủ trẻ chia sẻ.
Theo Diệu Hiền
Thanh niên

Khởi nghiệp từ rắc rối với bạn cùng phòng

Chỉ vài tuần sau khi dọn vào sống ở ký túc xá Trường ĐH Pittsburgh (Mỹ), Justin Mares (22 tuổi) đã nghĩ đến việc chuyển chỗ. Nguyên nhân chính là... người bạn cùng phòng.

“Bạn ấy chẳng vui vẻ chút nào và sống cô độc. Rõ ràng điều này đã ảnh hưởng đến việc học của tôi” - Mares nhớ lại. Cậu nhận ra những câu hỏi khảo sát dành cho tân sinh viên quá mơ hồ để có thể tìm được người bạn cùng phòng hợp ý nhau. Mares cho rằng các trường có thể dùng công nghệ thông tin để tìm hiểu chuyện trên như cách các website hẹn hò trực tuyến đã làm. Cậu thử nghiệm bằng cách gửi phần mềm trực tuyến RoommateFit đến 100 nhà quản lý các trường cao đẳng. Và kết quả phản hồi rất khả quan. “Các trường rất quan tâm đến phần mềm này. Đó là công cụ giúp tăng mức độ hài lòng của sinh viên” - Mares nói.

Được hỗ trợ giải thưởng 2.000USD từ Hội Doanh nhân Collegiate, Mares đã hợp tác với một nhà tâm lý học để hoàn thiện phần mềm, chi tiết hóa các câu hỏi khảo sát để có thể đánh giá tính cách tiêu biểu của từng người tham gia khảo sát.

Năm 2011, Trường ĐH Ohio đã đồng ý thí điểm dự án này. Ông Jneanne Hacker, phó giám đốc phụ trách nhà ở của trường, cho biết: “Sinh viên đặc biệt quan tâm đến ai sẽ là bạn cùng phòng của mình và mức độ tương hợp. Với 8.000 sinh viên, chúng tôi không thể liệt kê tiểu sử của từng em, rồi kết hợp các em với nhau một cách thỏa đáng nhất. RoommateFit đã giúp sắp xếp chỗ ở khoảng 1.000 tân sinh viên của trường dựa trên đặc tính chung về giao tiếp, quan niệm về các vấn đề xã hội và thói quen cá nhân”. Cuối năm học, Mares khảo sát những sinh viên đã dùng phần mềm và nhận thấy 40% trong số đó dự tính tiếp tục chung sống với bạn cùng phòng của mình vào năm tới. Kết quả này cho cậu thêm động lực tin tưởng vào dự án kinh doanh của mình.

Mares gửi kế hoạch kinh doanh đến Trường ĐH Pittsburgh và nhận được tài trợ 30.000USD cùng văn phòng làm việc. Sáu tháng sau, cậu đã ký hợp đồng với ba trường đại học: Ohio, Bách khoa miền Nam và Kentucky miền Bắc. Cả ba trường đã dùng RoommateFit để sắp xếp chỗ trọ cho 7.000 tân sinh viên năm học 2012-2013. Mỗi sinh viên trả phí từ 2-3USD.
Mares hiện đang tìm cách mở rộng ý tưởng của mình ra ngoài phạm vi trường đại học, với việc phát triển phần mềm dành cho khách hàng có nhu cầu tìm bạn cùng phòng ở TP New York và San Francisco.

Bản thân Mares cảm thấy hạnh phúc vì đã tìm ra giải pháp đơn giản cho vấn đề mà nhiều người đối mặt. Cậu tâm sự: “Khi nghe những phản hồi như: Tôi rất mến bạn cùng phòng của mình/ Thật hạnh phúc khi được sống cùng nhau... tôi thấy mình đã làm việc đáng làm, nhất là với những rắc rối chính mình đã trải qua”.
Theo TT

Làm giàu từ vỏ trấu

Với 60 triệu đồng, khởi nghiệp với thứ tưởng chừng như bỏ đi là vỏ trấu, giờ đây anh Lương Văn Minh đã trở thành giám đốc của một công ty.

Anh là Lương Văn Minh (42 tuổi, trú tại khối phố 5, thị trấn Núi Thành, H.Núi Thành, Quảng Nam) hiện là Giám đốc Công ty TNHH Trường Doanh chuyên sản xuất củi trấu.

Anh Minh kể: “Tình cờ, một lần ngồi nói chuyện với anh bạn thời còn đi học hiện là chủ một công ty tư nhân, tôi được biết một phần nguyên nhân khiến các doanh nghiệp gặp khó khăn là do thị trường chất đốt đang tăng giá. Và tôi chợt nhớ lại vỏ trấu ở quê, người ta vẫn hay vứt bừa bãi gây ô nhiễm môi trường, sao mình không tận dụng?”. Ý tưởng làm củi trấu đến với anh từ đó. Nhiều đêm liền, anh Minh thức để đọc tài liệu, tìm hiểu qua mạng. Rồi anh vào tận Vũng Tàu để học hỏi cách sản xuất củi trấu sau đó về quê mở xưởng vào năm 2009.

Anh gom góp tất cả tiền bạc có được trong nhà để đầu tư một chiếc máy ép trấu trị giá hơn 60 triệu đồng. Hằng ngày, anh đến các điểm xay xát gạo để mua vỏ trấu rồi đem về đúc, ép thành củi. Thành công chỉ đến với anh sau hàng tháng trời mày mò vừa chạy máy vừa sửa chữa, tốn cả mấy tấn vỏ trấu. Anh Minh cho biết: “Củi trấu tôi làm ra được nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tìm mua vì đảm bảo nhiệt lượng cần thiết khi đốt trong các nồi hơi công nghiệp. Củi trấu có nhiều ưu điểm như nhiệt độ từ 3.800 - 4.000 độ C, đạt yêu cầu nhưng lại rẻ hơn 35% so với than đá. Các xưởng xay xát lúa lúc nào cũng sẵn sàng cung cấp vỏ trấu cho mình”. Loại củi trấu này được các nhà máy ưa chuộng vì góp phần hạn chế việc sử dụng gỗ, củi khai thác trong tự nhiên, hạn chế khí thải độc hại ra môi trường. Hiện mỗi tháng, công ty anh xuất ra thị trường khoảng 200 tấn củi trấu.

Anh Minh cho biết cứ 1,3 tấn trấu (giá 400 đồng/kg) làm được 1 tấn củi trấu (giá 1.500 đồng/kg). Trừ các khoản chi phí, anh thu lãi trên dưới 100 triệu đồng/tháng. Đó là khoản thu nhập rất “khủng” đối với nhiều người dân ở đây.

“Cái khó nhất của nghề là tìm được thị trường ổn định. Nhưng khi mình kiên trì tạo được uy tín với bạn hàng thì có khi cung không đủ cầu”, anh Minh nói. Cao điểm là hồi năm 2011, mỗi ngày anh xuất bán vào Khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc (H.Điện Bàn), Khu kinh tế mở Chu Lai (H.Núi Thành) đến 400 - 500 tấn củi trấu, anh phải nhập thêm hàng về để bán.

Anh Minh cho biết nghề làm củi trấu không khó nhưng để củi đạt chất lượng cao thì người làm phải để ý đến khâu nén vỏ trấu. Thường thì vỏ trấu đem về từ các nhà máy xay xát có thể ép ngay được. Tuy nhiên, nếu nguyên liệu ẩm, lẫn tạp chất nhiều thì phải phơi mới có thể ép được. Tại công ty, quy trình sản xuất gồm trấu được đùn qua máy xay ở nhiệt độ 250 độ C, sau đó được nén lại nhờ chất keo có sẵn trong vỏ trấu. Củi trấu đạt chuẩn phải dài 40 cm, đường kính 8,5 cm, cứng và nặng gần 3 kg/thanh.

“Làm củi trấu, theo tôi, sự kiên trì phải là hàng đầu. Nhiều lúc máy móc hỏng, không biết sửa khiến người theo nghề phải mệt mỏi, dễ bỏ ngang. Nhưng khi làm đã quen, có thị trường ổn định thì mọi chuyện sẽ đơn giản hơn. Tôi sẵn sàng chuyển giao công nghệ sản xuất cho những ai muốn làm nghề này”, anh Minh chia sẻ. Được biết, hiện công ty của anh có 4 máy ép trấu, anh đặt 2 máy ở Quảng Nam và 2 máy khác ở Quảng Ngãi để mở rộng thị trường, chủ động hơn trong khâu mua nguyên liệu.
Theo Thanh niên

Độc, lạ: Thuê 'chú rể'… giá 100 triệu đồng

Thuê…chú rể, làm đám cưới ra mắt họ hàng.

Độc, lạ: Thuê chú rể… giá 100 triệu đồng
Xu hướng làm bà mẹ đơn thân ngày càng nhiều, vì thế để dễ dàng “qua mặt” người thân, bạn bè, nhiều cô gái đã tìm đến dịch vụ thuê…chú rể, rồi làm đám cưới ra mắt họ hàng.

Do đây là dịch vụ khá mới mẻ và hơi “tế nhị” nên chủ yếu phải được môi giới thông qua người quen thì các chủ tiệm dịch vụ cưới hỏi mới nhận lời giúp. Ngay cả trên mạng internet, các “cò” môi giới dịch vụ cũng chỉ cung cấp địa chỉ email, không có số điện thoại hay địa chỉ liên lạc cụ thể.

Theo lời giới thiệu của một anh bạn thân tên Chinh, chúng tôi tới một cửa hàng chuyên cung cấp các dịch vụ cưới hỏi trọn gói trên phố Nguyễn Quý Đức (Thanh Xuân, Hà Nội). Đây là một cửa hàng nhỏ, nằm trong ngõ, diện tích khoảng 10m2, của vợ chồng anh Tuấn – chị Hiền (quê ở huyện Ý Yên, Nam Định), bên ngoài chỉ có một tấm biển nhỏ đề “Dịch vụ cưới hỏi trọn gói” và một trái tim màu đỏ lớn cùng một mâm trầu cau (làm bằng nhựa) được bày trên bàn ở ngay trước cửa ra vào.

Do có người quen giới thiệu, nên anh chị khá cởi mở và thân thiện. Vừa thấy tôi bước vào, chị Hiền liền hỏi: “Mấy tháng rồi em?”. Tôi ngơ ngác chưa hiểu ý chị, thì anh bạn tôi đã nhanh nhảu: “Mới thôi, nhưng cần gấp”.

Thì ra, đa số các khách hàng tìm đến dịch vụ thuê chú rể đều là những cô gái “trót dại” mang bầu hoặc muốn làm “single mom”, nhưng do lo sợ sự đàm tiếu của dư luận và làm “mất mặt” bố mẹ với bà con làng xóm vì quan niệm “chưa chồng mà chửa”, nên nhiều người đã tìm đến dịch vụ này để làm đẹp lòng các bậc sinh thành.

Theo chị Hiền, nếu chỉ thuê chú rể không thì mất khoảng 5 triệu đồng, còn trọn gói thì hơi cao, tầm khoảng 30 triệu đồng bao gồm: bố mẹ chú rể, họ hàng nhà trai, các mâm lễ vật,….tiền trang phục, đi lại cho những người này, khách phải tự lo. Còn việc tập huấn thông tin cho khớp giữa nhà trai và nhà gái sẽ do cửa hàng đảm nhiệm.

Việc tổ chức ăn uống và các chi phí khác cho đám cưới, tất nhiên cũng là do khách hàng phải tự lo. Nếu nhờ cửa hàng thì mức giá sẽ phụ thuộc vào quy mô tổ chức. Việc đặt mâm cỗ nhà hàng sẽ đảm nhận và đưa ra mức giá cụ thể, còn các công việc khác như: Trang trí nhà đám cưới, Mâm quả trọn gói, Cho thuê xe cưới hỏi, Cho thuê bàn ghế, Cổng hoa cưới, Nhà bạt và các trang thiết bị sự kiện, Dịch vụ hoa tươi, Hoa cưới, Hoa sự kiện, Người bê quả, Lễ Tân, Nhóm múa, Người đại diện hai họ, Cắt chữ Mốp Xốp, Phụ kiện cưới, Quà Tặng,…sẽ mất thêm khoảng 10 triệu đồng.

Tóm lại, tổng chi phí khoảng 50 – 100 triệu đồng tùy theo quy mô của buổi đám cưới.

Tuy nhiên, đấy chỉ là tiền thuê các nhân vật cho 1 ngày, còn nếu muốn thuê chú rể cho lễ ra mắt, hay lại mặt, thì phải trả thêm 1 triệu đồng/ngày. Nếu cần thuê thêm nhà trai thì khoảng 5 triệu đồng/ngày. Tất cả đều phải thỏa thuận từ trước vì mỗi người mỗi ngành, nghề, nên sau khi kết thúc đám cưới, rất khó tập hợp mọi người đông đủ.

“Đa số những người tìm đến dịch vụ đều là những người có kinh tế khá, nhưng vì nhiều lý do buộc phải sinh con một mình nên để “qua mặt” gia đình và người thân, họ không ngại phải bỏ ra một khoản chi phí lớn để tổ chức một đám cưới giả”, chị Hiền cho hay.

Tuy nhiên, theo chị Hiền, không phải là đám cưới nào cũng mất một khoản chi phí lớn như vậy, có nhiều khách hàng là sinh viên, do không có điều kiện kinh tế khá giả, nên họ chỉ chấp nhận thuê chú rể và gia đình chú rể trong vòng 1 ngày, số tiền chưa đến 10 triệu đồng.

Chị Hiền kể, tuy đã được lên kế hoạch khá chỉnh chu, nhưng tại các đám cưới vẫn không ít các sự cố có thể xảy ra.

Xinh đẹp, giỏi giang, nhưng Giang (33 tuổi, quê ở Hà Tây), hiện đang làm kế toán cho một ngân hàng nước ngoài tại Hà Nội vẫn chưa tìm được một đấng mày râu thích hợp để làm chồng.

Điều kiện kinh tế của Giang khá ổn định, nên cô quyết định tự sinh một đứa con để bồng ẵm như bạn bè đồng trang lứa. Mặc dù có khá nhiều “vệ tinh” vây quanh nhưng cô không muốn kết hôn bất cứ một ai, vì sợ cuộc sống vợ chồng phức tạp.

Tuy nhiên, do bố mẹ cô là những người khá “cổ hủ”, nên việc con gái “không chồng mà chửa” là điều không thể chấp nhận được. Chính vì thế, qua lời giới thiệu của bạn bè, Giang đã tìm đến dịch vụ cho thuê…chú rể để “qua mặt” gia đình và người thân.

Trong đám cưới, mặc dù đã được thống nhất về các thông tin, nhưng họ nhà trai vẫn mắc phải rất nhiều sự cố. Khi được hỏi về chú rể, bên họ nhà trai, ông bác thì nói làm trưởng phòng kế hoạch của một công ty kiểm toán, còn cậu em trai chú rể nói như “đinh đóng cột” là làm trưởng phòng marketing của một ngân hàng.

Sự nhầm lần này dù không phải là lớn, nhưng cũng khiến họ nhà gái tỏ ra ngạc nhiên, nghi ngờ, đặt dấu hỏi về công việc hiện tại của chú rể.

Đặc biệt, sau đám cưới, sự “mất tăm” của chú rể luôn khiến cho nhà gái khó hiểu. Mặc dù, Giang lấy lý do là làm đám cưới gấp vì chồng tương lai sắp phải đi công tác nước ngoài những 2 – 3 năm, nhưng cũng không thể khiến cho bố mẹ cô an tâm và nghi ngờ về thân phận thực sự của chú rể.

Theo Ngọc Vy
VTC News

Những CEO ngân hàng xuất thân từ nghề giáo

Từng có thời gian đứng trên bục giảng, không ít thầy cô giáo rẽ hướng kinh doanh ngân hàng - một trong những ngành lợi nhuận cao song cũng đầy rủi ro.
Nhà băng có đội ngũ lãnh đạo nhiều người xuất thân từ giáo viên nhất phải kể đến Ngân hàng Á Châu (ACB). Từ cựu Chủ tịch Hội đồng sáng lập, trưởng ban kiểm soát, phó tổng giám đốc đến giám đốc các phòng giao dịch, chi nhánh... đều có người xuất thân là giáo viên. Ông Trần Mộng Hùng, Chủ tịch Hội đồng sáng lập ACB từng có thời gian là giảng viên trường Cao cấp nghiệp vụ ngân hàng (từ năm 1978 đến 1980).
Cơ duyên với ACB của ông Hùng bắt đầu từ những năm 1990, khi ông nhìn ra cơ hội lúc hệ thống ngân hàng được phân thành hai cấp là ngân hàng nhà nước và thương mại. Vốn có kiến thức chuyên môn về ngân hàng, ông Trần Mộng Hùng cùng các bạn bè quyết định rời bục giảng, xây dựng ACB thành ngân hàng phục vụ các nhu cầu dân sinh.
Ông Nguyễn Thanh Toại
Phó tổng giám đốc ACB, ông Nguyễn Thanh Toại cũng là một giảng viên tại đại học Kinh tế TP.HCM những năm 1978 đến 1984 và 1991 đến 1993. Bắt đầu làm việc tại Ngân hàng Á Châu từ năm 1994, đến nay, ông Toại đã có 18 năm gắn bó với nhà băng này. Được bổ nhiệm vị trí Phó tổng giám đốc, ông Nguyễn Thanh Toại cũng được giao trọng trách là người phát ngôn chính thức của ACB. Phó tổng giám đốc ACB là người ghi dấu ấn với cách nói chuyện cởi mở, thân thiện.
Ông Trịnh Kim Quang
Nguyên Phó chủ tịch HĐQT ACB, ông Trịnh Kim Quang cũng có 10 năm (1978-1988) làm giảng viên đại học Kinh tế TP.HCM. Sau khi rời trường, ông Quang làm việc thêm 2 năm tại Công ty vàng bạc đá quý SJC, sau đó đến 1993 tham gia vào ACB, nằm trong danh sách thành viên sáng lập và đảm đương nhiều vị trí cốt cán như Phó chủ tịch HĐQT, thành viên Ủy ban nhân sự, thành viên Hội đồng đầu tư. Một CEO cũng nổi tiếng khi chuyển từ nghề giáo sang làm ngân hàng là Tổng giám đốc Ngân hàng Đông Á Trần Phương Bình.
Ông Trần Phương Bình
Gắn bó với ngân hàng này từ những năm đầu thành lập, ông Bình cho biết, khó khăn lớn nhất khi chuyển nghề “tay ngang” là chưa có chuyên môn sâu về tài chính ngân hàng. Song nhờ mày mò tự tìm hiểu những "ma trận" của kinh doanh tài chính, ông cũng đưa Ngân hàng Đông Á trở thành một nhà băng hoạt động ổn định.
Bà Trần Thị Việt Ánh
Trong những cái tên CEO nữ chuyển từ nghề giáo sang làm ngân hàng, không thể không nhắc tới Tổng giám đốc Ngân hàng Sài Gòn Công Thương (SaiGonBank) Trần Thị Việt Ánh. Bà Ánh đã từng có thời gian giảng dạy tại đại học Ngân hàng TP.HCM, từng đảm đương vị trí Phó chủ nhiệm khoa Kế toán ngân hàng. Năm 1994, bà chuyển về SaiGonBank và 10 năm sau, bà được bổ nhiệm vào vị trí Tổng giám đốc.
Tổng giám đốc SaiGonBank chia sẻ, với người lãnh đạo ngân hàng, ngoài năng lực quản lý, chuyên môn giỏi còn cần có cái tâm với công việc: “Tài chính ngân hàng là một lĩnh vực kinh doanh đặc thù, mỗi quyết định của người đứng đầu đều có ảnh hưởng tới hoạt động của cả bộ máy, thậm chí nếu người lãnh đạo cùng đưa ra quyết định mang tính cá nhân thì còn có nguy cơ gây ra những hệ lụy lớn”. 


Nguồn: Zing

9X kinh doanh qua mạng nhận 'bằng tốt nghiệp tiền tỷ'

4 năm trên giảng đường đại học, Kim Diểu vừa học vừa kinh doanh khi mở một “tiệm tạp hóa’ trên mạng, không những tạo được công ăn việc làm cho các sinh viên khác mà nhờ đó còn kiếm bộn tiền.

Ông chủ trẻ Kim Diểu của "cửa hàng tạp hóa" Ông chủ trẻ Kim Diểu của "cửa hàng tạp hóa"

Nếu có dịp được đến căn phòng trọ nơi Kim Diểu thuê lại để cải tạo thành “cửa hàng tạp hóa” của mình, bạn sẽ bất ngờ trước lượng hàng và hàng núi công việc mà các bạn sinh viên ở đây phải xử lý hàng ngày. Trong căn phòng có phần nhỏ hẹp đó chỉ có duy nhất một chiếc giường nhỏ và một bàn máy tính được coi là “đồ gia dụng”, còn lại là hàng hóa chất đống khắp mọi nơi. Công việc kinh doanh ở đây bận rộn tới nỗi nhiều khi họ phải thức cả đêm để nhập hàng làm giấy tờ sổ sách và giao hàng cho khách. Vậy đâu là bí quyết thành công của chàng sinh viên 9X này?
Kiếm tiền ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường đang trở thành xu thế của giới trẻ ngày nay, nó cho thấy sự năng động và tố chất kinh doanh của không ít bạn trẻ. Lý Kim Diểu, sinh viên của Học viện Công thương Chiết Giang Trung Quốc được biết đến như một ông chủ trẻ tài ba khi đang kinh doanh một “tiệm tạp hóa” trên mạng được đặt ngay trong trường, không những vậy chàng trai 9X này còn góp phần tạo công ăn việc làm cho không ít sinh viên khác.
9X kinh doanh qua mạng nhận 'bằng tốt nghiệp tiền tỷ' (1)
“Tôi không mong được như những người khác, yêu đương và chơi điện tử để trải qua cuộc sống sinh viên. Là một sinh viên học kinh doanh tôi muốn tự mình mở một gian hàng trên mạng, không phải đi cạnh tranh xin việc, không phải đi làm thuê cho ai, đó là động lực giúp tôi phấn đấu đến ngày hôm nay”, Kim Diểu chia sẻ.
Kinh doanh qua mạng không còn xa lạ với giới trẻ, nhưng kinh doanh mặt hàng gì và cách kinh doanh thế nào cho lãi mới là điều không phải ai cũng làm được. Có lẽ do bản thân là sinh viên nên Kim Diểu hiểu hơn ai hết nhu cầu của các bạn trẻ và nhờ đó anh đã chọn lựa những mặt hàng kinh doanh chủ yếu là đồ dùng thiết yếu trong cuộc sống thường nhật và bởi vậy cụm từ “cửa hàng tạp hóa” dành cho gian hàng online của anh quả không sai.
Để tải được khối lượng công việc khá lớn của cửa hàng, Kim Diểu cần tới sự hỗ trợ của những người khác, và những bạn học trong trường chính là sự lựa chọn “đôi bên cùng có lợi”. Nhờ có sự cộng tác này mà cửa hàng của anh luôn giữ chữ tín khi luôn giao hàng đúng hẹn cho khách. Đây cũng là một trong những yếu tố giúp công việc kinh doanh của anh ngày càng phát đạt.
9X kinh doanh qua mạng nhận 'bằng tốt nghiệp tiền tỷ' (2)
“Ông chủ trẻ” là cách nhân viên của anh hay xưng hô, có người còn vui vẻ cho biết: “Cậu ấy thật tài giỏi và may mắn khi có được sự thành công như ngày hôm nay, chúng tôi vẫn thường đùa rằng, ngày tốt nghiệp Kim Diểu sẽ nhận được một tấm bằng tốt nghiệp trị giá tiền tỷ nhờ sự nhạy bén và năng động của chính bản thân anh ấy”.
Theo TIGÔN
Infonet.vn

Cậu sinh viên năm 3 lập trang web việc làm cho SV

Ở tuổi đôi mươi, Lại Thế Long (sinh viên năm thứ 3, Trường ĐH Thương mại) đã là "chủ xị" của ClubVieclam.com với số nhân sự chính thức gần 50 người cùng thu nhập hàng chục triệu đồng/tháng.

Lại Thế Long (sinh viên năm thứ 3, Trường ĐH Thương mại) - ông chủ của ClubVieclam.com. Lại Thế Long (sinh viên năm thứ 3, Trường ĐH Thương mại) - ông chủ của ClubVieclam.com.
"Dù đói, dù no nhưng cái chữ thì không thể thiếu"

Gia đình Long có 5 anh chị em, cha là thương binh hạng 3/4 mẹ làm nghề nông nên gặp nhiều khó khăn. Mấy sào ruộng cũng chỉ đủ cho gia đình ăn đến tháng 3. Bởi vậy mà ngay từ khi còn nhỏ, Long cùng mấy chị em phải lặn lội mò cua, bắt ốc, hái đỗ, mót lạc trên những cánh đồng sau mùa vụ.

Cuộc sống vất vả là thế nhưng mẹ Long vẫn cố gắng thức khuya dậy sớm lo cho anh chị em Long cái ăn, cái mặc những mong con được cái chữ nên người. Dẫu vậy, hoàn cảnh gia đình khó khăn đã khiến người anh trai và hai chị gái của Long không thể tiếp tục đến trường. Trong gia đình, chỉ có Long và người em út là may mắn được học hành đến nơi đến chốn.

"Tôi vẫn nhớ như in hình ảnh chị gái ngồi ôm cột nhà khóc một mình mỗi khi nhìn bạn bè cùng trang lứa cắp sách tới trường, rồi câu nói của mẹ ngày nào như vẫn còn văng vẳng bên tai: Nhà mình nghèo nhưng mẹ sẽ không để các con thất học, dù đói, dù no nhưng cái chữ thì không thể thiếu", Long chia sẻ.

ClubVieclam.com của "anh chàng vô dụng"

Những ngày mới lên Hà Nội trọ học, Long nói cuộc sống của cậu thực sự nhàm chán. Hằng ngày, cậu chỉ lên lớp rồi tan học lại trở về ký túc xá.

"Tôi thấy chán nản vì thời gian trôi đi vô nghĩa. Bố mẹ vất vả nuôi tôi ăn học, rồi cứ đà này, ra trường, chắc lại phải vất vả mất tiền xin việc. Tôi cảm thấy mình thật vô dụng", Long nói.

Nghĩ bản thân cần phải thay đổi, Long quyết định tìm việc làm thêm. Thế nhưng không may, cậu bạn lại mất tiền vào tay một công ty "ma". Sau nhiều tháng tìm kiếm, Long được các anh chị khóa trước của trường ĐH Thương mại giới thiệu cho công việc phát tờ rơi với mức lương 50.000 đồng/buổi chiều.

Đầu tiên chỉ là những tờ rơi bình thường, sau dần cậu mở rộng ra nhiều sản phẩm khác như dịch vụ in ấn, cung cấp nhân sự part-time (PG, bê tráp cưới hỏi…), tổ chức sự kiện… Tuy nhiên, sự thiếu ổn định về nhân sự ngày đó khiến Long gặp rất nhiều khó khăn. Từ đó, ý tưởng ClubVieclam.com đã ra đời với mục tiêu tập trung vào việc đào tạo kỹ năng làm việc thực tiễn và phát triển công việc part-time.

"Tưởng lập một club dễ dàng, ai ngờ gặp quá nhiều khó khăn, có lúc tưởng chừng như sụp đổ. Ai dám theo một sinh viên năm thứ nhất như mình?", Long nhớ lại.

Giờ đây, sau gần 2 năm, từ một nhóm bạn chơi thân, ClubVieclam.com đã trở thành tổ chức hoạt động hiệu quả. Đây cũng là một trong số ít những câu lạc bộ sinh viên có nguồn thu lớn về tài chính.

ClubVieclam.com hiện thu hút sự quan tâm của hàng trăm sinh viên trên địa bàn Hà Nội. Với sự quyết tâm cùng đam mê kinh doanh cháy bỏng, Lại Thế Long và nhóm bạn đang biến ClubVieclam.com trở thành hình mẫu đáng học hỏi cho sinh viên các trường đại học, cao đẳng.
Theo Sinh viên Việt Nam

Cô sinh viên mê kinh doanh làm "bà chủ" từ 19 tuổi

Kinh doanh từ năm thứ nhất ĐH khi tay trắng, đến nay Bùi Thị Phương (SN 1989), SV năm 4 khoa Quản trị kinh doanh- ĐH Ngoại thương Hà Nội đang là chủ nhiều shop thời trang nữ có thu nhập hàng ngàn USD/tháng.

Cô sinh viên mê kinh doanh làm "bà chủ" từ 19 tuổi

Phương đi làm thêm từ những tháng đầu vào ĐH và gia nhập các CLB chuyên về khởi nghiệp kinh doanh ở trường. Công việc đầu tiên của Phương là bán quần áo, rồi làm gia sư, bán sách, đĩa...

Trong một lần họp ở CLB, Phương đề xuất ý tưởng mở shop bán quần áo nữ nhưng không nhận được sự hưởng ứng. Phương vẫn quyết tâm tự triển khai ý tưởng. Sau hơn 1 tháng lên kế hoạch, móc nối nguồn hàng, khảo sát xu hướng..., cuối cùng Phương chọn thuê cửa hàng trong ngõ ở đường Láng (Hà Nội) với giá gần 4 triệu đồng/tháng.

Nguồn hàng giá rẻ, địa điểm đều đã có, Phương về quê vay tiền, nhưng bị mẹ mắng vì không lo học lại ti toe kinh doanh. Phương quay ra vay họ hàng, bạn bè và bán đi một số thứ, cuối cùng xoay được gần 40 triệu đồng để khởi nghiệp.
Một cửa hàng thời trang của Phương tại thị xã Tam Điệp
Một cửa hàng thời trang của Phương tại thị xã Tam Điệp.

Nhờ phát tờ rơi, giới thiệu qua internet nên hôm khai trương khách đến rất đông. “Một mình bán hàng cả ngày, dù mệt nhưng phấn khích. Doanh thu mỗi ngày được hơn 3 triệu đồng. Cảm giác được cầm những đồng tiền đầu tiên do mình kiếm được thật lạ”, Phương chia sẻ.

Cửa hàng kinh doanh thuận lợi do hàng hợp thời trang và giá rẻ, tháng đầu tiên Phương kiếm được gần 16 triệu đồng. Những tuần đầu phải tự bán hàng, Phương nghỉ học liên miên. Vì học theo tín chỉ nên Phương chủ yếu tự học ở nhà để đi thi giữa kỳ và cuối kỳ.
 Bùi Thị Phương
Bùi Thị Phương.

Hôm khai trương cửa hàng trùng với lịch thi cuối kỳ môn thể dục, Phương đành bỏ thi, chấp nhận học lại để thử vận may khởi nghiệp. Phương có nhiều bí quyết kinh doanh như lên danh sách khách hàng với những ghi chú thông tin về ngày sinh, kiểu dáng mẫu mã khách thích để có những món quà đặc biệt tặng khách. Vì thế shop dù ở trong ngõ vẫn kinh doanh tốt.

Khi công việc ổn định, thuê được nhân viên, có nguồn hàng thường xuyên, Phương lên lịch học và lịch làm việc cho từng ngày, từng tuần, mọi thứ trở nên nhẹ nhàng hơn. Phương vẫn có thời gian đến trường, quản lý kinh doanh và đi chơi.

Hiện Phương có hai cửa hàng mang tên C1 ở Học viện Tài Chính và thị xã Tam Điệp (Ninh Bình) đều kinh doanh tốt. Phương quyết định đóng cửa shop tại đường Láng để mở shop mặt phố nơi lượng khách hàng đông đúc hơn.

Việc học, việc kinh doanh bận rộn nhưng Phương vẫn có nhiều thời gian rảnh để đọc sách kinh doanh, sách kỹ năng về giao tiếp, bán hàng, quản lý doanh nghiệp. Bạn bè kể Phương thành công một phần nhờ cá tính liều. Hồi nhỏ, không biết bơi, nhưng thấy các anh chị nhảy xuống nước bơi, Phương cũng nhảy theo suýt chết đuối mấy lần.

Khi bắt đầu kinh doanh, nhiều người can ngăn, nhưng sẵn tính liều, Phương vẫn làm với ý nghĩ: Phải làm mới có kết quả, không thành công thì cũng có kinh nghiệm.

Phương vẫn vừa kinh doanh vừa học CFA (chương trình chuyên gia phân tích tài chính quốc tế). Dự định khi ra trường, Phương sẽ mở một trường mầm non và tiếp tục kinh doanh thời trang.
Theo Hải Yến
Tiền phong

"Ông chủ" 8X thu trăm triệu nhờ tạo việc làm cho sinh viên

Mở Cty riêng về lĩnh vực marketing khi chưa tốt nghiệp ĐH, Nguyễn Thành Long (SN 1988) mỗi tháng có 100-200 triệu đồng doanh thu.

 Nguyễn Thành Long (thứ 4 từ trái sang) cùng nhân viên Cty Nguyễn Thành Long (thứ 4 từ trái sang) cùng nhân viên Cty

Là học sinh chuyên văn tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu, nhưng Long lại học ngành kinh tế đối ngoại và khởi nghiệp kinh doanh với lĩnh vực marketing. Những năm tháng ĐH, Long thường theo đuổi khoá học PR và tham gia các hoạt động kỹ năng.

Năm thứ hai ĐH, Long thử sức làm marketing trên trang kenh14.vn tại Cty truyền thông Việt Nam (VCCorp). Năm thứ ba, Long làm thêm tại Cty FPT, quản lý game online, hộp tin, sự kiện và PR. Công việc diễn ra suôn sẻ, nhiều khách hàng gọi Long làm marketing tự do. “Công việc phát triển đều đặn tại sao không mở Cty? Ý nghĩ ấy thôi thúc tôi quyết chí làm ăn riêng”, Long chia sẻ.

Chuẩn bị thi tốt nghiệp ĐH, Long chạy đôn đáo lo thủ tục mở Cty. Cty Kết nối trẻ ra đời chuyên tư vấn về marketing cho các Cty, doanh nghiệp, nhãn hàng. Trong đó, lĩnh vực chính Long hướng tới là marketing kĩ thuật số, liên quan đến online, mobile. Vì đang là SV nên các nhãn hàng mà Cty Long thực hiện chủ yếu dành cho giới trẻ. Long có cơ hội khai thác các thế mạnh của mình.

Một nửa trong số nhân viên của Cty là SV. Ông chủ Long không chỉ tạo việc làm cho SV mà còn mở ra cho họ những cơ hội để trưởng thành. Thành lập tháng 4-2010, sau 1 tháng Cty đã có hợp đồng tổ chức sự kiện cho một Cty Ấn Độ tại Việt Nam. Nhưng nối tiếp sau đó là những khó khăn đổ xuống đầu giám đốc SV.

Có uy tín và mối quan hệ từ thời làm thêm, Long được nhiều người hỗ trợ, giới thiệu khách hàng, Cty dần dần khắc phục khó khăn và hoạt động chuyên nghiệp hơn. Mỗi tháng Long có 100-200 triệu đồng doanh thu. Hiện Cty thực hiện Thách thức marketing, cuộc thi dành cho SV dạng thực tế trực tuyến đầu tiên với số giải thưởng 10.000 USD. Không chỉ trang bị kiến thức chuyên ngành, cuộc thi là nơi so tài của những SV có khả năng marketing để dành 8 suất học bổng tại Singapore và nhiều cơ hội việc làm.

Trang tin giới trẻ

Từng làm ở kênh14.vn, Long muốn tự mình làm ra một trang tin điện tử để phục vụ nhu cầu học tập của các bạn trẻ. Ý tưởng lập trang web Genx.vn ra đời. Trang GenX tập trung về giáo dục, tư vấn, định hướng kỹ năng cho giới trẻ. Khách hàng ở Cty có nhiều dự án về giáo dục nên Long làm việc nghiêng về giáo dục. “Trang GenX là công cụ để tạo dựng những giá trị cho SV, định hướng tốt cho bạn trẻ thông qua những hoạt động, cũng như tư vấn cho các Cty về giáo dục, cách tiếp cận với bạn trẻ một cách dễ dàng nhất”, Long chia sẻ.

Cẩn thận và chắc chắn đó là bí quyết kinh doanh của Long. “Nhân viên Cty kỳ thị mình vì mỗi lần duyệt kinh phí thường rất lâu. Mình phải tính toán kỹ trước mọi quyết định”, Long nói. Công việc kinh doanh của Cty dần đi vào guồng quay tăng trưởng. Long định gác lại vị trí giám đốc để sang Singapore học hỏi thêm trước khi phát triển tiếp Cty.
Theo Hải Yến
Tiền phong

Cô Cám 9x: Bán trà chanh, học 2 trường đại học

Quán trà chanh Phượt ở ngã tư Sở (Hà Nội) ngày nào cũng đông khách. Khách hàng trẻ, cô chủ cũng rất trẻ, sinh năm 1990 và đang theo học tới hai trường đại học.

Là Cám nhưng rất đảm đang Là Cám nhưng rất đảm đang

Trà chanh = Kinh doanh+Du lịch
7 rưỡi tối, khi những ánh nắng cuối ngày tắt hẳn cũng là lúc Thanh Nhị (hay còn có biệt danh là Cám) lục đục chuẩn bị đồ đạc mở quán. Quán trà chanh - me đá của Nhị nằm ngay ngã tư Sở, cuối đường Trường Chinh. 8h tối, khách hàng đã bắt đầu kéo tới quán. “Cô chủ Cám” đon đả mời chào, hướng dẫn chỗ để xe, tay thoăn thoắt pha trà chanh hay me đá mời khách.
Nhìn dáng bán hàng rất chuyên nghiệp của Nhị, ít ai biết cô gái trẻ này đang là sinh viên của hai trường đại học: sinh viên năm thứ 3 khoa Du lịch - Viện đại học Mở Hà Nội và khoa Kinh tế đối ngoại – hệ tại chức -  Đại học Ngoại Thương.
Học ở một trường Đại học thôi cũng đã khá vất vả rồi, vậy mà Nhị quyết tâm theo học bằng được hai trường. Nhị nói, “em thích làm kinh doanh lắm chị ạ, mà cũng rất thích du lịch nữa. Hai khoa  mà em đang theo học cũng thể hiện rõ những đam mê của em. Ban đầu, em cũng chỉ thử sức mình xem như thế nào, có theo được một lúc hai nơi vậy không. Thế rồi 3 năm cũng trôi qua lúc nào không biết”.
Tất nhiên, việc học hành ở hai trường Đại học chiếm nhiều thời gian của Nhị, nhưng em tâm sự, mở một quán trà chanh như thế này cũng là mong muốn rất lâu rồi. Vốn mở quán không nhiều, chỉ vài triệu thôi, nhưng đang là sinh viên, lại theo học hai trường như vậy nên gần đây, Nhị cũng mới tự tích lũy đủ. Thời điểm này em cũng đang nghỉ hè, thời gian thoải mái hơn, vậy là quán “Phượt” mới chính thức ra đời, và vẫn hội tụ đủ những điều em yêu thích bấy lâu nay: kinh doanh và du lịch. 
Quán trà nhỏ ước mơ lớn
Quán của Nhị mới mở nhưng lúc nào cũng đông khách tới uống trà. Ban đầu chỉ là bạn bè đến ủng hộ, nhưng vì cô chủ xởi lởi, vui tính, dễ thương, “xì - teen” nên quán bắt đầu cũng có khách quen. Khách đến uống, ai cũng gọi Nhị theo nickname là Cám nên không khí quán trà chanh của em càng vui vẻ và thân mật.

Quán nhỏ nhưng luôn đông khách
Quán nhỏ nhưng luôn đông khách

“Từ ngày mở quán đến giờ, em cũng phải thay đổi địa điểm mấy lần vì trục trặc. Ngồi ở Ngã tư Sở, khu Định Công, rồi Lê Trọng Tấn. Dọc đường Trường Chinh này cũng phải thay đổi vị trí đôi ba lần. Nhưng khách quen trước khi ra thường gọi điện nên em vẫn không bị mất khách”, Nhị kể.
Quyết định mở quán của Nhị được rất nhiều bạn bè, anh chị ủng hộ. Duy chỉ có bố mẹ ở quê là ban đầu chưa biết. “Lần trước, mẹ ra thăm em, mới biết em tối tối đi bán hàng như thế này. Thấy em nghiêm túc với quyết định của mình, công việc này cũng không có gì xấu xa cả nên mẹ ủng hộ em lắm. Còn Bố thì tỏ ra lo lắng. Chủ yếu là lo em tối đi bán trà chanh như thế này liệu có gì không hay xảy ra không. Rồi thời gian, việc học hành của em có bị ảnh hưởng gì không. Em nói sẽ cố gắng sắp xếp khi vào năm học. Vả lại, em còn mở quán cùng một chị nữa, nên em tin em sẽ tìm được cách cân đối thời gian hợp lý. Tất nhiên là em vẫn sẽ ưu tiên việc học thật tốt rồi”.

Trành chanh Phượt của Nhị
Trành chanh Phượt của Nhị 

Hiện tại, Nhị vẫn đang rất tận tâm và say sưa với quán trà nhỏ của mình. Chiều chiều em vẫn hãm chè, pha nước đường, mua chanh tươi, chuẩn bị đồ tối cùng chị bạn mở quán. Tuy quán nhỏ, lời lãi cũng không nhiều nhặn gì nhưng đây là những gì tự tay em làm ra, là bước đầu để em thực hiện những mơ ước trong tương lai của mình. Nhị yêu quý nó vì điều đó.
“Tối nay, hội đi phượt của em lại off (gặp mặt) ở đây chị ạ. Quán sẽ đông và vui lắm đấy, nhưng em đã chuẩn bị đầy đủ mọi thứ rồi” – Cô chủ Thanh Nhị 9x vừa nói vừa cười khoe với tôi.
Theo Nguyễn Hằng
Kiến thức

Sinh viên 9X: IT bỏ "nghề", làm chủ công ty thuê xe du lịch

Học CNTT, từng đi "làm thuê" cho một công ty taxi, bắt tay kinh doanh và trở thành giám đốc khi còn ngồi ghế giảng đường.

Sinh viên 9X: IT bỏ "nghề", làm chủ công ty thuê xe du lịch

Bỏ chuyên ngành đi mở công ty

Xuất thân từ một gia đình có truyền thống nghề y, trong gia đình không ai làm kinh doanh nhưng ngay từ bé Huy đã luôn mong muốn một ngày được trở thành “ông chủ”.

Năm 2008, Huy thi đỗ vào khoa CNTT trường đại học Bách Khoa. Đến khi vào năm thứ hai đại học, anh được nhận vào làm bán thời gian tại một hãng taxi tải với vai trò nhân viên kỹ thuật.

Công việc phù hợp, đúng với chuyên môn lại có thể vừa học vừa làm, những tưởng Huy sẽ hài lòng với công việc hiện tại của mình . Thế nhưng máu kinh doanh lại thôi thúc Huy lập nghiệp ngay từ những ngày còn ngồi ghế giảng đường. Năm 2010, Huy nghỉ việc rồi chung vốn với một người bạn nữa mở công ty riêng. Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ GATE VIỆT NAM chính thức đi vào hoạt động từ đó.

Gọi là công ty cho oai chứ thực ra chỉ gồm 2 người còn văn phòng là một căn hộ nhỏ chật hẹp ở tầng 2 căn nhà số 40 Kim Mã. Với số vốn ít ỏi ban đầu, Huy không thể tự mua xe . Thay vào đó, anh sử dụng kiến thức IT của mình để thiết kế ra website với tên miền thuexe.net, tiến hành quảng cáo trên mạng và làm mối xe cho những hãng vận tải khác.

“Những kiến thức về CNTT giúp mình thiết kế được một website chuyên nghiệp và hiểu tâm lý của khách hàng khi tra cứu trên mạng. Chẳng hạn như biết khách hàng khi cần thuê xe sẽ dùng từ khóa nào, có được tên miền đẹp,… làm sao để khách hàng có ý định thuê xe khi tra cứu sẽ tìm thấy trang của mình ở ngay top đầu.”

Việc quảng cáo trên mạng đem lại hiệu quả rõ rệt khi ngày càng có nhiều người biết đến trang web của anh. Mỗi lần làm mối xe thành công, Huy được trả tiền phần trăm. Tích góp các khoản tiền thu được từ việc làm mối xe, cùng với nhận làm thêm nhiều mảng khác như thiết kế website, SEO,… hơn 1 năm sau, Huy “tậu” về chiếc xe đầu tiên.

“Khi chiếc Fortuner 7 chỗ đầu tiên về, cả hai anh em mừng “rơi” nước mắt. Bao nhiêu tiền kiếm được từ việc làm mối xe, vay mượn ngân hàng đều đổ cả vào đấy”, Huy bùi ngùi kể.

Nhờ những mối có sẵn từ những năm tháng làm “cò”, chiếc Fortuner của Huy luôn trong tình trạng chạy hết công suất. Vừa có xe riêng vừa tiếp tục làm mối cho các hãng khác, dần dà, công việc kinh doanh mở rộng, Huy mạnh dạn mua thêm nhiều xe mới.

Cái “duyên” kinh doanh

Mới khởi nghiệp, Huy cũng mắc không ít sai lầm. “Nhiều hợp đồng tưởng kiếm được ai ngờ lỗ nặng, công ty phải gánh chịu toàn bộ chi phí, quan trọng hơn là niềm tin của đối tác cũng mất.”, anh chia sẻ.

Ngay như trong trận lũ vừa rồi ở miền Trung, do không tiên liệu trước được việc mưa lũ có thể khiến quốc lộ 1A bị sạt lở nên Huy cứ “vô tư” đánh xe đưa khách đi, hậu quả là xe chưa đến nơi
đã phải vòng về và công ty phải chịu hoàn toàn chi phí.

Còn non nớt lại khởi nghiệp đúng thời khủng hoảng kinh tế, nhưng với bản tính tháo vát, Huy cũng đã xoay xở vượt qua. Nếu trước đây nhìn vào bảng giá của các hãng xe mình không tài nào nhớ được thì bây giờ nhớ rõ mồn một. Một chiếc Fortuner đi 100km hết bao nhiêu lít dầu, tiền cầu đường, lương lái xe, chi phí bảo trì, anh đều tính vanh vách.

Thêm vào đó, Huy còn có cái “duyên” của người làm kinh doanh, khi anh thường may mắn kiếm được những hợp đồng tốt. Một phần của cái “may mắn” này đến từ những mối quan hệ của Huy đều được thiết lập ngay từ khi anh còn là kỹ thuật viên của công ty taxi, quan hệ từ những ngày tháng đi làm thuê đã giúp anh có nhiều mối với các hãng xe khác.

2 năm kinh doanh, quãng thời gian chưa dài nhưng cũng đủ để giúp Huy có được những khách hàng trung thành. Hiện tại, công ty của anh là đối tác tin cậy của nhiều công ty lớn như Vinaconex, Taisen.

Từ 1 chiếc Fortuner ban đầu, Huy đã mua thêm được 2 chiếc Space 45 chỗ và 2 chiếc Sprinter 16 chỗ với tổng giá trị lên đến hơn 6,5 tỉ đồng, doanh thu công ty mỗi tháng đạt 300 triệu đồng. Căn phòng chật hẹp xưa cũng đã đổi thành văn phòng mới khang trang hơn.

Đam mê kinh doanh nhưng Huy cũng không từ bỏ việc học. Anh vừa nhận tấm bằng cử nhân CNTT của đại học Bách khoa và một chứng chỉ từ khóa học CEO.

Thành công bước đầu, Huy cho biết anh sẽ tiếp tục mở rộng kinh doanh trong thời gian tới.

“Hiện tại nền kinh tế đã bớt khó khăn hơn so với thời gian trước. Số lượng khách có nhu cầu thuê cũng đã đông hơn. Mình đang tính mở thêm một văn phòng nữa ở khu vực Cầu Giấy và mua thêm xe 4 chỗ để chuẩn bị cho mùa cưới sắp tới”, chàng giám đốc trẻ cho biết.

Quốc Dũng
Theo TTVN

CEO 9X của Netlink bỏ thi đại học làm giàu từ internet

Nguyễn Văn Dũng, người sáng lập kiêm chủ tịch của Netlink cho biết việc bỏ thi đại học, bước vào 'trường đời' sớm là quyết định khó khăn nhất của anh.

Nguyễn Văn Dũng tự nhận mình không phải là một người giỏi điều hành nhưng trong tay anh đang có một đội ngũ nhân sự khoảng 150 người. Nguyễn Văn Dũng tự nhận mình không phải là một người giỏi điều hành nhưng trong tay anh đang có một đội ngũ nhân sự khoảng 150 người.
Sinh năm 1989, ở cái tuổi mà không ít người còn chưa có định hướng gì cho tương lai, Nguyễn Văn Dũng đã là ông chủ của một công ty Internet với đội ngũ nhân viên gần 150 người.

Netlink Online Communication, công ty do Dũng sáng lập ra, đồng thời giữ chức Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành, hoạt động trong lĩnh vực Truyền thông và Internet. Cho đến nay, công ty của Dũng đã phát triển được khoảng 10 dự án online lớn, trong đó có những website truyền thông nổi tiếng như Tin Mới (www.tinmoi.vn), Yêu laptop (www.yeulaptop.com) hay Yêu trẻ thơ (www.diendan.yeutretho.com).

Dũng tình cờ làm quen với máy tính từ cơ quan của mẹ năm học cấp hai, với tài sản ban đầu là một vài tờ báo về tin học mà anh thu thập được. “Chiến tích” đáng nhớ nhất của cậu học sinh cấp II Nguyễn Văn Dũng là việc nối mạng trộm qua đường điện thoại (vì những năm đó chưa có ADSL) và những lần giật mình thon thót vì sợ bố mẹ phát hiện trong những lần thanh toán hóa đơn điện thoại.

Khi những quán Internet đầu tiên xuất hiện cũng là lúc Dũng thường xuyên đạp xe 5 cây số ra huyện để truy cập mạng. Khác hẳn với những cậu bé cùng lứa tuổi của mình ra quán net để chơi game, Dũng mày mò lập ra những website hay trang blog và bắt đầu kiếm được những đồng tiền đầu tiên từ những cá nhân hoặc tổ chức thuê anh làm website.

Tuy nhiên, phải đến khi lên cấp III, đi học xa nhà, Dũng mới có điều kiện để tiếp cận một cách toàn diện với nguồn thông tin khổng lồ trên Internet và tự dung nạp kiến thức cho mình, đồng thời niềm đam mê Internet mới thực sự ngấm vào máu.

Thời điểm này, Dũng cùng với một người bạn thành lập công ty chuyên chuyên về thiết kế, code, vận hành web và một số công việc marketing online khác. Tại đó anh kiêm nhiệm mọi việc từ A-Z, thậm chí, tối làm bảo vệ và ngủ ngay tại trụ sở của công ty. Công ty của anh thời điểm đó liên tục vấp phải những vấn đề về tài chính còn bản thân Dũng bị gia đình chỉ trích rất nhiều.

CEO 9X của Netlink bỏ thi đại học làm giàu từ internet (1)
"Bí quyết thành công của nhiều 'đại gia' ngành Internet là lúc nào cũng phải giữ cho mình có suy nghĩ như một người mới khởi nghiệp. Nên nếu bạn đang là người mới khởi nghiệp thì ko phải ngại gì cả".

Quyết định được xem là khó khăn nhất trong sự nghiệp của anh, theo chia sẻ của doanh nhân trẻ tuổi này, là việc bỏ thi đại học để theo đuổi ước mơ lập nghiệp dựa vào Internet. “Bỏ thi đại học là một quyết định khó khăn và là sự đấu tranh tư tưởng lớn đối với bản thân, khi mà chính con đường sự nghiệp còn đang loay hoay chưa có gì thuận lợi. Gia đình và mọi người xung quanh phản đối kịch liệt, khiến cho tôi gặp phải áp lực vô cùng lớn thời điểm đó. Tuy nhiên, chính sự phản đối đó cũng thúc đẩy tôi phải quyết tâm thành công nhiều hơn và cũng như một bài học thử thách về tâm lý để tôi vượt qua được những áp lực lớn hơn sau này”, Dũng chia sẻ.

Dũng quyết định bước vào "trường đời" tích lũy kinh nghiệm bằng cách đi làm thuê, thay vì tiếp tục làm "ông chủ kiêm nhân viên". Do đó, anh đã bỏ cả thi đại học, lẫn công ty để nộp đơn xin việc làm. Tại thời điểm đó, Dũng chưa hoàn toàn tin vào con đường mình đi, thâm tâm cảm thấy lo sợ. Tuy nhiên, chàng trai trẻ đã nhanh chóng khẳng định được tài năng của mình khi trở thành trưởng phòng CNTT của một công ty tổ chức sự kiện chỉ sau vài tháng làm việc.

Dũng sau đó tiếp tục đầu quân cho một số đơn vị khác, nhưng do cảm thấy môi trường “chật hẹp” không đủ cho mình thỏa sức vẫy vùng, anh đã bỏ việc để tự do làm những gì mình thích. Thời gian này, Dũng bắt đầu quan tâm đến các chương trình quảng cáo của Google và không lâu sau đó, trở thành nhà phân phối của Google với mức thu nhập cao gấp rất nhiều lần so với một nhân viên bình thường trước khi tự mình thành lập công ty.

Khi được hỏi về những khó khăn trong việc điều hành và làm việc với các đối tác do tuổi đời còn quá trẻ, Dũng tỏ ra tự tin cho biết, bất cứ người thiếu kinh nghiệm nào cũng sẽ gặp khó khăn, nhưng điều đó sẽ trở thành lợi thế của những người trẻ nếu chứng minh được khả năng và tư duy của mình.

CEO 9X của Netlink bỏ thi đại học làm giàu từ internet (2)
"Các chuyên gia trên thế giới thường nói lúc kinh tế khủng hoảng thì Internet lại lên ngôi. Tôi cảm thấy điều đó hoàn toàn đúng trong quá trình phát triển của mình".

Anh cũng cởi mở chia sẻ, công ty của mình sẽ triển khai hai dự án lớn trong vòng hai năm tới. Nhận định về thị trường CNTT trong nước, vị CEO trẻ tuổi cho biết thị trường Internet nước ta đã sôi động hơn nhiều so với khoảng thời gian 5 năm về trước, và cần thêm vài năm nữa để phát triển bùng nổ.

Theo Thành Duy
Zing/Infonet

9X học trái ngành, lập shop ảo, sở hữu chuỗi 20 cửa hàng

Sinh năm 1990, vừa mới tốt nghiệp Đại học Kỹ thuật Công nghệ TP.HCM, Nguyễn Linh Cát có trong tay chuỗi 20 cửa hàng ở một số tỉnh - thành.

Ảnh: Quý HòaẢnh: Quý Hòa
Có những ngày phải vất vả làm thêm để có vốn nuôi giấc mơ nhưng sức trẻ đã giúp Nguyễn Linh Cát vượt mọi khó khăn và sự sáng tạo là chất liệu để cô nàng 9x này thành công trên thương trường.

Sinh năm 1990, vừa mới tốt nghiệp Đại học Kỹ thuật Công nghệ TP.HCM, trong tay là chuỗi 20 cửa hàng ở một số tỉnh - thành nhưng Linh Cát không khoác lên mình sự chững chạc của một doanh nhân. Nụ cười trong veo, tinh nghịch nhưng ánh mắt lại đầy tự tin của cô khiến người đối diện dễ băn khoăn, không biết cô làm thế nào để tính bài toán kinh doanh có thể dễ dàng đến như vậy.

Lên mạng lập shop

Chuyện bắt đầu từ chuyên ngành học không đúng như sự nghiệp kinh doanh mà Linh Cát đã chọn từ những ngày còn là học sinh: Công nghệ sinh học. Vì không muốn làm trái ý phụ huynh, Linh Cát chấp nhận dành bốn năm cho việc học trái ngành.

"Nhiều người sẽ nghĩ tôi uổng phí bốn năm nhưng tôi lại thấy mình gặt được nhiều thứ. Trong đó, lớn nhất là bài học phải làm theo những gì mình yêu thích để có được đam mê và sẵn sàng dốc sức", Linh Cát chia sẻ.

Lớn lên cùng internet và máy tính, Linh Cát sớm biết kinh doanh qua mạng là mảnh đất tốt lành cho những người thế hệ sau như cô nhưng mãi cho đến năm thứ hai đại học, Cát mới chọn được con đường.

Cát kể, cách đây hai năm, rất nhiều người đổ xô sang Trung Quốc, Thái Lan... tìm nguồn hàng rồi mang về Việt Nam rao bán trên mạng. Trào lưu này khiến nữ sinh viên như cô được dịp sắm sửa vì giá sản phẩm khá mềm, có rất nhiều mẫu mã dù chất lượng không cao.

Tuy nhiên, nam sinh viên thì lại đứng ngoài phong trào này. Không phải vì các bạn nam không thích thời trang mà nguồn hàng kinh doanh trên mạng phục vụ đối tượng này có nhưng ít và chưa thực sự hấp dẫn. Muốn sắm sửa, họ phải chấp nhận mua hàng ở các shop với giá cao mà không có nhiều lựa chọn.

Quyết tâm thử sức ở đại dương xanh này, Linh Cát gom góp số tiền dành dụm được trong suốt cả năm làm thêm trước đó, đến chợ Tân Bình, lùng chọn những mẫu vải phù hợp với những mẫu thiết kế mà cô thích khi lướt web, tham khảo thời trang nam, rồi đặt may gia công.

Theo tính toán của Linh Cát, giá bán ở các chợ đầu mối hay đặt hàng từ nước ngoài về, trung bình một áo sơ mi nam đã lên đến 180.000 đồng, bán ra phải trên 200.000 đồng mới có lãi.

Nếu tự đặt may, giá bán chỉ bằng giá lấy hàng về mà lại đảm bảo được chất lượng và nhất là kiểu dáng không đại trà. "Điều này sẽ tạo nên thế mạnh cạnh tranh cho Catsashop", cô khẳng định.

Khi đã có sản phẩm, Cát bắt đầu lên mạng lập cửa hàng. Trang web 123mua.vn là điểm đến đầu tiên của cô. Linh Cát tiết lộ: "Mới bắt đầu kinh doanh, lập website riêng khó thu hút người truy cập. Cách tốt nhất là dựa vào thế mạnh cộng đồng của những trang thương mại điện tử lớn".

9x trổ tài

Mô hình kinh doanh của Cát khá đơn giản. Sau khi chọn và đặt hàng trên shop điện tử, khách hàng sẽ được giao hàng tận nơi hoặc đến nhà của Cát để thử và chọn lựa.

Cái khó của cô chủ nhỏ là vốn quá ít, phải xoay vòng nên bán hết hàng Cát mới có điều kiện đầu tư thêm mẫu mới. Cát kể, vừa kinh doanh, vừa đi học nhưng cô vẫn phải đi làm PG (nhân viên chào mẫu sản phẩm) để kiếm thêm vốn đầu tư cho sản xuất.

Bên cạnh đó, sản xuất số lượng không nhiều nên việc in, thêu hay thêm thắt các họa tiết vào sản phẩm cũng bị hạn chế. Tuy vậy, đúng như cách tính của Linh Cát, sản phẩm chất liệu tốt, thiết kế trẻ trung lại bán với giá thành rẻ hơn nên được đón nhận rất nhiều.

"Chỉ sau 2 tháng chính thức bán hàng, tháng 11, tháng 12 năm đó, có ngày, doanh thu của Catsashop lên đến hơn 5 triệu đồng", Cát khoe.

Sự phát triển này buộc Cát phải tính toán lại bài toán kinh doanh. Một mặt đẩy mạnh quảng bá trên web, phát tờ rơi giới thiệu tại các trường đại học..., mặt khác, Cát mạnh dạn mở shop thực để có nơi trưng bày và giới thiệu sản phẩm.

Cửa hàng đầu tiên của Cát ra đời sau shop ảo bốn tháng. Nhờ quảng bá tốt, khách hàng tìm đến Catsashop ngày một nhiều hơn. Cát phải đầu tư thêm cửa hàng mới phục vụ đủ nhu cầu.

Biết được tiềm năng của Catsashop, nhiều người, trong đó có cả người thân của Cát ngỏ ý làm đại lý. Cô đồng ý nhượng quyền thương hiệu với giá 0 đồng để có thể mở rộng kinh doanh. "Nguyên tắc để làm đại lý cho Catsahop, ngoài vị trí không làm ảnh hưởng đến các shop hiện có thì chỉ cần bán đúng sản phẩm, đúng giá”, Cát cho biết.

Chưa đầy 2 năm nhưng chuỗi Catsashop đã lên đến con số 20, trên địa bàn TP.HCM và các tỉnh - thành lớn. Trung bình, mỗi tuần Catsashop cho ra thị trường 20 mẫu thiết kế mới.

Cát trăn trở "Vốn đầu tư có hạn, phải đợi xoay vòng nên khả năng sản xuất của Catsashop không đủ phục vụ nhu cầu thị trường". Đó chính là lý do Cát dù đang ấp ủ rất nhiều dự định nhưng vẫn chưa thể thực hiện.

"Mọi thứ đang diễn ra quá nhanh, tôi sẽ phải rà soát để quản lý tốt hơn. Ước mơ của tôi là đưa sản phẩm của Catsashop đi xa hơn nữa", Cát nói vậy.

Theo Đặng Quý Yên
Doanh nhân Sài Gòn

Dân công sở đi buôn để... giảm stress

Đi buôn ngoài giờ ngồi văn phòng không chỉ để kiếm thêm thu nhập mà còn là phương pháp giảm stress hiệu quả của chị em công sở.

Dân công sở đi buôn để... giảm stress
Lãi dăm chục ngàn mà phấn khởi cả ngày
Lương tháng hơn chục triệu, lại chưa lập gia đình nên chị Lê Thúy (chuyên viên thiết kế của một công ty phần mềm trên đường Duy Tân, Cầu Giấy) vẫn sống khá thoải mái mặc “bão giá” hoành hành. Thế nhưng, ngoài 8 tiếng ngồi văn phòng, cứ có thời gian rảnh là chị Thúy lại lọ mọ đi lấy hàng, giao hàng như một bà buôn thực thụ.
Chị Thúy cùng một người bạn nữa góp vốn định mở cửa hàng bán măng tây xanh, sau một thời gian bán thử nghiệm trên mạng thấy “không ăn thua” nên người bạn kia rút. Chị vẫn tiếp tục làm một mình, mở rộng mặt hàng kinh doanh sang các loại nông phẩm Tây Bắc như mật ong, rượu ngô, lá nếp cẩm, trám, lá thuốc tắm của người Dao,…
Người ngoài nhìn vào bảo chị “ham làm giàu” nhưng thực chất số tiền lãi chị kiếm được chả đáng là bao, có khi tiền lãi cả tháng chỉ bằng ba ngày lương. Nhưng chị lại tìm thấy niềm vui ở công việc tay chân này.
Chị chia sẻ: “Buổi trưa người ta ngủ, mình lọ mọ đi 10km giao hàng. Cái cảm giác bán được hàng nó rất khó tả, cảm giác này người làm kỹ thuật không bao giờ có được. Tiền lãi có khi chỉ ngồi cafe tý là hết nhưng thực sự mình cảm thấy rất sung sướng”.
Chị bảo công việc của chị là thiết kế đồ họa đòi hỏi sự sáng tạo, lại phải ngồi máy tính nhiều nên đầu óc lúc nào cũng căng như dây đàn. Việc buôn bán giống như một thú vui, giúp chị giải tỏa stress.
“Kể ra cũng thấy mình hơi điên điên, an nhàn không muốn lại cứ tự làm khổ mình. Nhưng không hiểu sao kể từ lúc đi buôn lại thấy vui hẳn lên. Cứ hôm nào có người đặt hàng là phơi phới cả ngày”, chị Thúy nói thêm.
Cũng tìm vui ở việc “buôn thúng bán mẹt”, chị Kim Oanh (giao dịch viên một ngân hàng trên đường Trần Thái Tông) lại chọn cách bán sang tay đồ thời trang. Chị thích mua sắm, hay đi lùng sục ở các shop thời trang nên tìm được đồ độc, lạ. Lắt nhắt dăm ba chiếc áo, váy độc cũng khiến facebook và các topic bán hàng của chị râm ran cả ngày.
“Mình thích thời trang lắm nhưng lại phải học ngân hàng theo chỉ thị của gia đình. Công việc cũng không vất vả lắm, thu nhập cũng cao nhưng không hiểu sao mình cứ thấy chán chán. Thế là chọn cách buôn bán như thế này để thỏa lòng đam mê”, chị Oanh nói.
Chỉ nên là thú vui
Với quan niệm “phi thương bất phú”, nhiều chị em công sở ham hố làm giàu tìm đủ mọi cách để buôn bán. Thậm chí có những người còn bỏ việc để theo hẳn con đường buôn bán. Thế nhưng không phải ai đi buôn cũng thuận lợi, nhất là trong hoàn cảnh khủng hoảng kinh tế như hiện nay.
“Thu nhập của mình cũng ổn định nhưng vì ham thích kinh doanh nên góp đầu tư mở quán cà phê với một người bạn. Được bốn tháng thì bắt đầu oải và mình rút vốn vì nhiều vấn đề đau đầu như việc quản lý nhân viên, chia chác lãi lỗ”, chị Lan Anh (Mỹ Đình, HN) chia sẻ.
Chị Lan Anh bảo kinh doanh bây giờ không đơn giản, nhất là đối với dân văn phòng, cả ngày bận rộn công việc ở cơ quan, về nhà lại tính toán buôn bán sẽ rất mệt mỏi.
“Đúng là buôn bán thì dễ giàu hơn là lương công sở nhưng nghĩ học hành bao năm rồi vứt cái bằng đi để thành “con buôn” thì không đáng. Mà ham cả hai việc thì mệt mỏi lắm, không có thời gian cho gia đình, bản thân. Thế nên mình nghĩ có buôn cũng chỉ làm nho nhỏ cho vui thôi, kiếm đôi ba đồng uống cafe chứ làm giàu thì khó lắm”, Lan Anh chia sẻ.
Theo La Hoàn
Vietnamnet

Trào lưu 9X: Kiếm chục triệu đồng/tháng bằng đồ handmade

Nhiều chủ shop thu về hàng chục triệu đồng, thậm chí có trường hợp kiếm tới cả trăm triệu đồng mỗi tháng nhờ các nguyên liệu đơn giản như vải nỉ, vải dạ và giấy...

Trào lưu 9X: Kiếm chục triệu đồng/tháng bằng đồ handmade

Trần Anh Dũng, sinh viên năm thứ 3 Đại học Ngoại Thương, một trong những người sáng lập 4handy và Bánh đa shop chia sẻ, nhờ bán hàng handmade, tổng doanh thu của 2 shop mỗi tháng lên tới cả trăm triệu đồng. Công ty của Dũng không tập trung vào sáng tạo các sản phẩm handmade làm sẵn mà sản xuất những bộ kit bao gồm vải dạ, các dụng cụ và hướng dẫn để tạo ra một sản phẩm handmade. Shop có đội chuyên môn chỉ 2 - 3 người có nhiệm vụ thiết kế và chế tạo sản phẩm mẫu và nhóm đã sáng tạo khoảng 200 bộ kit hướng dẫn làm các sản phẩm từ móc khóa, bánh ga tô bằng vải dạ cho đến thiệp giấy.

Với doanh thu khiêm tốn hơn, khoảng vài chục triệu đồng mỗi tháng, I-karo, một shop gồm 8 nhân viên với 3 cửa hàng tại Hà Nội lại có cách kinh doanh khác. I-karo shop không sản xuất các bộ kit hàng loạt mà làm các sản phẩm handmade theo yêu cầu của khách hàng. Điều đặc biệt trong phương thức kinh doanh của shop này là làm ra sản phẩm “xinh y chang” với tưởng tượng của người đặt.

Zonnyshop lại là cửa hàng chỉ kinh doanh online, với 6 nhân viên, chuyên buôn bán các sản phẩm từ len. Mới thành lập 4 tháng, mỗi ngày shop nhận trung bình 10 - 20 đơn đặt hàng. Anh Nguyễn Văn Chung, chủ Zonnyshop tiết lộ: "Có những đợt, shop nhận order của các diễn đàn từ 100 đến 200 sản phẩm". Với mỗi sản phẩm có giá trung bình là 40.000-50.000 đồng, cửa hàng có thể thu được trung bình 4-10 triệu mỗi tháng, một con số không nhỏ đối với cửa hàng online mới thành lập.

Tuy nhiên, để kinh doanh handmade có lãi như vậy, chủ cửa hàng cũng phải trả những giá không nhỏ. Vào những ngày đầu, 4handy đã từng thu hồi hàng nghìn sản phẩm do không nắm bắt được thị trường kinh doanh, đánh giá không đúng nhu cầu khách hàng. Trần Anh Dũng, ông chủ 9X tâm sự: “Cho tới bây giờ, tôi tưởng như shop đã kinh doanh ổn định, nhưng mọi mục tiêu đều có thể bị thay đổi bất cứ lúc nào. Những kế hoạch vạch ra cho một năm có thể không trụ nổi trong vòng một tháng vì thị hiếu khách hàng thay đổi liên tục”.

Chủ shop I-karo, Nguyễn Thùy Linh nhìn nhận, hiện handmade đã trở thành một xu hướng mạnh mẽ trong giới trẻ. Càng ngày càng có nhiều cá nhân và các shop online bán nguyên liệu cũng như các sản phẩm handmade. Cửa hàng kinh doanh handmade để thành công phải nghiên cứu và cập nhật thường xuyên nhu cầu khách hàng.

Còn Trần Anh Dũng cho rằng có 3 nhóm khách hàng sử dụng các sản phẩm handmade. Nhóm một là những người thích mua những sản phẩm handmade làm sẵn, nhóm 2 là những người mua bộ kit về làm theo hướng dẫn. Nhóm còn lại là những người chỉ mua nguyên liệu, tự thiết kế sản phẩm.

Để thành công, các shop không chỉ bán các sản phẩm phục vụ cả 3 nhóm khách hàng mà còn tổ chức các lớp học dạy làm đồ handmade. I-karo còn tạo thiết lập mô hình café handmade, tạo ra một không gian để các tín đồ handmade có thể thoải mái chia sẻ sở thích: vừa uống café, vừa mua, vửa làm, vừa học handmade tại chỗ. Một số cửa hàng còn phải bỏ ra rất nhiều công sức để phát các survey ở các trường học, lập các survey online để tìm hiểu thói quen mua hàng của giới trẻ.

“Handmade là một xu hướng tất yếu với hai giá trị to lớn của nó là tiết kiệm chi phí và tạo ra giá trị của sản phẩm" - Dũng chia sẻ. Đó là một trong những lí do mà các shop thành công và lấy lại vốn trong một thời gian ngắn.

Theo Hảo Linh
vnexpress

Hốt bạc nhờ cho thuê đồ chơi trẻ em

Tận dụng đồ chơi của các bé yêu để cho thuê đang là một dịch vụ khá béo bở, thu hút nhiều người tham gia kinh doanh.


Một mẫu ghế nôi rung được chị Thu Thủy (Chùa Bộc) cho thuê. Một mẫu ghế nôi rung được chị Thu Thủy (Chùa Bộc) cho thuê.
Dịch vụ này hình thành dựa trên tâm lý cả thèm, chóng chán của trẻ và giải pháp thuê đồ chơi về cho con vừa đáp ứng được nhu cầu của trẻ lại vừa tiết kiệm được một khoản không nhỏ cho phụ huynh. Các cửa hàng kinh doanh đồ chơi đã nhanh nhạy kiêm thêm dịch vụ này.

Sinh lời từ đồ thanh lý

Theo chị Thu Vân (ngõ 95, An Dương, Tây Hồ, Hà Nội), người mở dịch vụ này được hơn 2 tháng, trên mạng nhiều phụ huynh tham gia mua đi bán lại đồ chơi cũ của con. Từ đây, chị Vân nảy ra sáng kiến mua lại đồ thanh lý rồi cho thuê. Chị Vân cho biết: "Ông xã nhà mình chiều con, mua nhiều đồ chơi, bày chật cả nhà nên mình muốn cho thuê để rộng chỗ. Muốn đồ cho thuê phong phú thì phải mua đồ chơi thanh lý của các phụ huynh khác nữa. Ngoài ra, tôi muốn  tập cho con cách quản lí tài chính thông qua việc cho thuê đồ chơi của chính các bé".

Các bậc phụ huynh thời hiện đại, phần lớn nhà nào cũng ít con, "nâng như nâng trứng" và mua về cho con những thứ đồ chơi đắt tiền. Trẻ con thường nhanh chán, có những món đồ mua về chơi đúng 1 tuần là đã xếp xó mà mua đồ mới hoài thì tiếc tiền. Nhiều người mẹ đã đi thuê đồ chơi cho con chơi chán trong một thời gian dài mà giá vẫn rẻ hơn mua đồ mới nhiều, lại không phải bảo quản. Từ việc nắm bắt nhu cầu này, chị Vân đã mở dịch vụ cho thuê đồ chơi và quảng bá trên mạng.

Chị Vân cho biết: "Số tiền đặt cọc và giá thuê cụ thể  phụ thuộc vào từng món đồ chơi. Đồ chơi "khủng" thì giá thuê cũng cao hơn đồ chơi bình thường. Là người từng có con nhỏ nên tôi nắm rất rõ tâm lý của các bé. Trước khi đồng ý ký hợp đồng thuê, tôi luôn khuyến khích các mẹ đưa bé đến tận nơi xem và chọn đồ. Bé sẽ được chơi thoải mái tại nhà tôi, khi tỏ rõ thích món đồ chơi nào mới được mẹ thuê mang về nhà chơi tiếp và chỉ tính tiền món đồ thuê mang về nhà đó".

Khác với chị Vân, chị Thu Thủy (ngõ 164, Chùa Bộc, Đống Đa, Hà Nội) lại tận dụng cơ hội này từ chính nguồn hàng sẵn có của gia đình mình. Chẳng là chị Thủy có một cửa hàng đồ chơi nên chị tận dụng giới thiệu dịch vụ này đến khách hàng luôn.

Chị Thủy cho biết: "Với thời đại bão giá như hiện nay thì việc bỏ ra một số tiền, từ vài trăm nghìn thậm chí lên tới cả tiền triệu đồng mua đồ chơi cho con, không phải ai cũng làm được, dù rất muốn. Tôi từng chứng kiến nhiều ông bố, bà mẹ dắt con đến cửa hàng hỏi mua đồ nhưng khi chủ cửa hàng báo giá thì lại tần ngần dắt con quay đi vì khả năng tài chính có hạn. Trẻ con không được bố mẹ đáp ứng nên khóc, nhìn rất thương. Kể từ khi kiêm thêm dịch vụ này, tôi thấy vẹn cả đôi đường. Khách đến không đủ tiền mua thì thuê, chẳng ai phải ra về tay không, chẳng thấy đứa trẻ nào khóc nữa".

Theo chị Thủy thì hiện nay, khách đến thuê đồ chơi nhiều hơn là mua. Khi đồ cho thuê đã trở nên cũ, chị có thể bán rẻ để gỡ thêm chút vốn. Thế mới biết, người tiêu dùng đã thức thời nhưng người kinh doanh còn thức thời hơn rất nhiều.

Cho thuê cũng lắm công phu

Theo kinh nghiệm của chị Thủy thì các loại đồ chơi phổ biến dành cho bé dưới 2 tuổi như: "Ghế nôi rung, giường cũi...". Đây là những mặt hàng nhiều người thuê vì thời kỳ bé phù hợp với những thứ đồ này qua rất nhanh. Hay như đồ chơi "khủng" như xe đẩy, xe tập đi (ô tô chạy bằng điện), các kiểu dáng phong phú cũng khá hút khách. Tuy nhiên, khi bé cứng cáp chuyển từ giai đoạn nằm sang ngồi hay từ bám vịn chuyển sang đi thoăn thoắt rất nhanh, có khi chỉ  trong vòng 1 tháng thì lúc ấy những món đồ chơi kiểu này coi như vứt xó. Đồng ý kiến với chị Thủy, chị Vân cho biết, những đồ chơi chỉ dùng cho bé trong thời gian từ 1 - 2 tháng luôn ở trong tình trạng "cháy hàng".

Hiện nay, mức giá thuê phổ biến áp dụng cho các loại đồ chơi này từ 40.000 - 50.000/tuần. Nếu khách thuê cả tháng thì mức giá có thể giảm đi chút ít, khoảng 150.000 - 160.000/tháng. Tùy theo giá trị từng món đồ mà khách có nhu cầu thuê phải đặt cọc nhiều hay ít tiền. Số tiền đặt cọc này thường dao động từ 1 triệu đồng - 3 triệu đồng. Ngoài các đồ chơi cao cấp của Nhật Bản, Mỹ, Hàn, Ý, Đức, Nga... thì khá nhiều mặt hàng có xuất xứ từ Trung Quốc. Giá cả những loại hàng Trung Quốc lúc nhập vào bình dân nên kéo theo đó là chất lượng cũng thuộc dạng "chả biết đường nào mà lần", giá thuê cũng vừa phải nhất.

Chị Thủy cho biết thêm, đã quy định rõ trong hợp đồng: Đồ chơi bị hỏng 1 chức năng hoặc toàn bộ các chức năng do bất kỳ nguyên nhân gì trong thời gian thuê, chị sẽ hoàn trả 100% tiền đặt cọc với điều kiện đồ chơi phải nguyên vẹn về hình dạng, không bị vỡ. Trường hợp vỡ tan nát rồi thì đây là điều mà mình và các mẹ đều không mong muốn, trên tinh thần thiện chí cùng chia sẻ rủi ro mình vẫn hoàn lại 50% tiền cọc cho các mẹ.

Chị Vân bật mí: "Thường những loại đồ chơi dành cho lứa tuổi từ 2,5 - 4 tuổi bao giờ giá thuê cũng cao hơn bởi tầm tuổi này các bé rất hiếu động nên khả năng hỏng đồ, vỡ đồ là khá cao. Khi đồ bị hỏng, tôi thường chia sẻ rủi ro với các phụ huynh bằng cách hạ thấp giá thuê một chút, đề phòng lúc họ phải đền thì cũng không cảm thấy xót xa. Đồ chơi nhà tôi đa phần là hàng hiệu nên rất bền, trường hợp vỡ tan nát khó xảy ra. Đồ chơi dành cho lứa tuổi lớn từ 8 tuổi trở lên thì độ bền của đồ chơi kém hơn vì trẻ đã có ý thức rồi. Phần lớn, những món đồ cho lứa tuổi này đều gắn liền với việc học tập và kích thích tư duy của bé phát triển".

Đồ chơi của trẻ nhỏ đa phần chạy pin nên các phụ huynh khi cho con chơi, tránh đổ nước, sữa vào. Nếu chẳng may bị ướt thì tháo pin và dùng máy sấy khô ngay, hy vọng sẽ khôi phục được. Nhiều phụ huynh thấy nước đổ vào, tưởng là hỏng nên đã không thực hiện các biện pháp "cứu chữa" nên tốn kém một cách không cần thiết.    
  
Theo Linh Nhi
Người đưa tin
Flag Counter